The Vibes Co-Space / Infinitive Architecture

Địa điểm: An Phú, TPHCM
Thiết kế: Infinitive Architecture
Kiến trúc sư chủ trì: Hà Hồng Linh, Nguyễn Vĩnh Hoàng
Nhóm thiết kế: Nguyễn Tuấn Hoàng, Phạm Đỗ Đăng Khoa, Đoàn Minh Phúc, Lê Đình Nguyên Vũ, Nguyễn Văn Thái Nhật, Nguyễn Thị Diệu Thương, Nguyễn Trường Nguyên, Nguyễn Trọng Nhân, Lê Đình Hưng
Diện tích: 1555 m²
Năm hoàn thành: 2021

The Vibes là một tiện ích văn phòng được thiết kế thích ứng, thân thiện với môi trường, khí hậu, với lối bố trí khuyến khích các không gian mở và các mảng xanh xen kẽ, tạo nên một bầu khí yên ả, thư thái ngay trong lòng đô thị. Tuy nhiên, việc lồng ghép một tiện ích thương mại vào trong một tiểu khu nhà ở một cách hợp lý là một thách thức, đòi hỏi KTS phải có giải pháp phù hợp trong việc chuyển tiếp giữa các đặc tính không gian kế cận.

Từ tính chất bối cảnh này, KTS tổ chức tổng mặt bằng công trình với hệ thống các lớp không gian chuyển tiếp. Theo tổng thể này, vùng trọng tâm, mặt đứng chính, lối vào chính nằm sâu vào phía bên trong, trong khi sân trước và mặt đứng tối giản bên ngoài có nhiệm vụ tạo lập khoảng lùi cho việc tiếp cận, đồng thời là vùng bao cảnh đệm cho các góc nhìn nội thất về phía mặt đường. Lộ trình tiếp cận vào sảnh chính được dẫn dắt, chuyển tiếp qua các vùng cảnh quan: một khoảng sân trước rộng, thoáng, một ngõ vào rợp mát, và khu vườn trung tâm.

Khu vườn này là vùng trọng tâm, bao bọc bởi các mặt đứng đa dạng hơn, được xem là mặt chính, với điểm nhấn là bức tường màn cây leo Huỳnh Đệ. Sảnh chính thông tầng nằm sau bức rèm xanh này, cùng với tổ hợp vùng chuyển tiếp thông thoáng tự nhiên dọc theo giao thông đứng và các hành lang ở dạng cầu nối của công trình. Lối tổ chức không gian mở chuyển tiếp này giúp duy trì nhiệt độ dễ chịu giữa các vùng không gian kín – mở, trong – ngoài và kế cận. Diện tích mặt hồ chiếm 1/5 khu vườn góp phần tích cực vào việc cải thiện vi khí hậu cho phần không gian ngoài trời dưới cái nắng của miền nam Việt Nam. Bên cạnh đó, diện mái treo rộng hơn 200m2 tạo lập một vùng đệm bóng mát và thông thoáng từ các khoảng mở lộ thiên bên dưới.

Việc tổ chức tiện nghi hóa nhiều không gian mở, sân vườn ở nhiều hướng, nhiều cao độ khác nhau, giúp cho việc tiếp xúc với không khí bên ngoài luôn dễ dàng. Đây là cách tổ chức nhằm khuyến khích, thúc đẩy con người dịch chuyển một phần thời gian làm việc trong các phòng kín ra ngoài tự nhiên, tránh nguy cơ lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Toàn bộ các không gian công cộng được thiết kế thông thoáng tự nhiên. Các khu văn phòng và tiện ích khép kín luôn tiếp xúc tối đa với ánh sáng tự nhiên. Đồng thời, lớp vỏ che nắng bằng tre cản trở phần lớn bức xạ mặt trời tác động lên hệ vách kính ngoại thất. Các yếu tố bền vững này giúp giảm thiểu mức tiêu hao năng lượng vận hành cho chiếu sáng ban ngày và điều hòa nhiệt độ, giảm cường độ sử dụng năng lượng (EUI) cũng như phát thải carbon ra môi trường.

Tổ hợp xuyên thấu hình thành từ các hệ rèm tre và hệ vách ngăn trong suốt có họa tiết tương đồng, cho phép vận dụng một số hiệu ứng thị giác khá đặc sắc trong nội thất.

Trước tiên, hệ rèm che nắng hoạt động như một bộ lọc thị giác, bắng họa tiết xen kẽ sáng tối và chuyển động tự nhiên bao bọc các diện cửa sổ, giúp cải thiện các khuyết điểm của bao cảnh tứ cận đối với ngoại vi công trình, đồng thời kích thích sự khám phá cảnh vật bên ngoài sân vườn đối với người sử dụng bên trong.

Kế đến, sự chồng lớp song song giữa các lớp rèm tre ngoại thất với các họa tiết làm mờ trên hệ vách ngăn nội thất bằng kính ở các góc nghiêng khác nhau, tạo nên tính động cho khung cảnh khi mắt người di chuyển, dưới tác động của hiệu ứng Moiré.

Ngoài ra, việc sử dụng vách kính không khung cho ngoại thất làm cho ranh giới không gian nội thất có cảm giác được mở rộng ra đến lớp rèm tre (nằm cách lớp kính 600mm mỗi bên). Đây là minh chứng cho hiệu quả ứng dụng của thị sai trong thiết kế.  Khu vườn trung tâm, nơi tiếng ồn được lọc qua hai vùng đệm, âm thanh từ lớp rèm tre được cảm nhận rõ nhất, trở thành một nếp nhạc nền dễ chịu cho bầu khí yên ả. Đây là các chuỗi âm thanh dạng chuông ở cường độ từ 30 đến 30 Decibel, đến từ thiết kế tạo âm của các quả cầu trong lòng các đốt tre, có cơ chế tương tự đàn T’rưng, hoặc đàn Tăng Rung (Vibes) của phương tây. Đặc tính này của công trình là một trải nghiệm của KTS trong việc quan sát khả năng biểu cảm của kiến trúc ở một vài hình thái mới như: Chuyển động và âm thanh.

Share Button