Nguyễn Hòa Hiệp

[Đề cử năm 2014 / Kiến trúc sư của Năm 2014] Điểm nhấn 2014: KTS Nguyễn Hòa Hiệp có nhiều công trình được đề cử năm nay, đặc biệt công trình The Chapel (Nhà Nguyện) mới đây đã giành giải Công trình của Năm tại Festival Kiến trúc Thế giới 2014.

Nguyen Hoa Hiep

Tiểu sử:

– Sinh năm 1978 tại Nha Trang
– Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh năm 2002.

Các giải thưởng của KTS Nguyễn Hòa Hiệp cùng  a21 studio:

Năm 2012:
– Giải thưởng kiến trúc xanh Việt Nam: Lam café, I resort
– Giải thưởng kiến trúc Việt Nam: resort, Kiến trúc sư trẻ
Năm 2013:
– Ứng dụng tốt nhất các ý tưởng về cao cấp và bền vững: I resort
– Liên hoan kiến trúc thế giới 2013: The Nest (khuyến khích)
Năm 2014:
– Giải thưởng kiến trúc xanh Việt Nam: 9 spa.
– Giải thưởng kiến trúc châu Á (ARCASIA): The Nest (đồng) và 9 spa (đồng)
– Festival kiến trúc thế giới 2014: The Chapel, giải nhất hạng mục Cộng đồng, Công trình của năm.

Bài viết về KTS Nguyễn Hòa Hiệp và công trình The Chapel trên Tuổi Trẻ Cuối tuần (22/10/2014):

Nguyễn Hòa Hiệp vừa mang về giải Công trình xuất sắc nhất của năm lần đầu tiên cho Việt Nam, từ Liên hoan kiến trúc thế giới (WAF) 2014 lần thứ 7.

Ban giám khảo cảm thấy đây là một dự án bao hàm cả tính lịch sử và sự hiện đại, tạo ra hiệu ứng cao nhất với vật liệu ít nhất” (Paul Finch, giám đốc chương trình WAF) - Ảnh: a21 studio

Ban giám khảo cảm thấy đây là một dự án bao hàm cả tính lịch sử và sự hiện đại, tạo ra hiệu ứng cao nhất với vật liệu ít nhất” (Paul Finch, giám đốc chương trình WAF) – Ảnh: a21 studio

Anh tin cuồng nhiệt vào những công trình “không giống bất kỳ của ai” mà mình tạo ra.

Đó là một quán cà phê rất không giống những quán cà phê thường thấy. Bộ khung cao làm từ những tấm thép mỏng lượn sóng, sơn trắng. Kết cấu nâng là những thanh sắt mỏng, chĩa ra như những nhánh cây cũng sơn trắng, trông như vòm của nhà nguyện.

Vài chục bóng đèn nhỏ công suất 5W, tỏa ánh sáng vàng như những đốm sao trên trời giữa ban ngày.

Điểm nhấn là những tấm mành bằng vải mỏng, màu sắc rực rỡ xen nhau thành khối, được giữ lại bằng những ống sắt ngang, nhẹ và không căng, đủ để thở giữa trưa đầy nắng tại khu dân cư Trung Sơn, Bình Chánh (TP.HCM).

The Chapel nhìn ra con sông chảy lặng lẽ, nép bên rặng cây dài.

“The Chapel đã thay đổi nhịp đô thị một cách khéo léo bằng việc sử dụng những màu sắc đem lại cảm giác rất dễ chịu” là nhận xét của ban “siêu giám khảo” WAF 2014 về không gian mà họ trao giải Công trình xuất sắc nhất của năm (World Building of the Year), giải thưởng danh giá hằng năm của giới kiến trúc thế giới.

The Chapel đã vượt qua 33 công trình thắng giải của ba hạng mục chính gồm cảnh quan, công trình đã hoàn thành và dự án tương lai, hầu hết được thiết kế xây dựng một cách rất cầu kỳ, tốn kém.

Chỉ với chi phí chưa tới 300 triệu đồng, và không có nhiều chi tiết thiết kế để mô tả, điều gì khiến The Chapel nhận được vị trí tương tự như công trình đỉnh cao Vườn bên vịnh (Garden by the bay) mà Singapore giành được năm 2012, với chi phí hơn 1 tỉ USD?

Những bức hình mà a21 studio – đơn vị thiết kế – công bố cho thấy tính giản dị của công trình (không gian trắng tinh 140m2, hai cái lu nhỏ sát vách, cửa sổ nhỏ với những tấm rèm vải đa sắc che ngang nửa). Khá nhiều vật liệu cũ từ các công trình trước đây của chủ đầu tư – một người kinh doanh bất động sản – đã được tận dụng.

“Những công trình khác dự thi có thể ban giám khảo đã thấy điểm này, điểm kia ở đâu đó rồi. Nhưng The Chapel đặc biệt, chưa từng xuất hiện ở đâu bao giờ, rất tuổi trẻ” – kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp, 36 tuổi, chủ trì dự án, nói.

Khi WAF xướng tên Công trình xuất sắc nhất của năm, gọi tên Hiệp và The Chapel tối 3-10, anh đã rời WAF để về khách sạn ngủ từ sớm, để lại chiếc túi vải mà anh hay mang theo để cộng sự mang giải thưởng về.

“Vì tôi tin mình đoạt giải, vì công trình của tôi chẳng giống của bất kỳ ai”. The Chapel được lấy cảm hứng từ không gian của các ngôi đình của Việt Nam, trống trải tĩnh lặng, với những cờ phướn rực rỡ bay trong gió.

“Tôi đặt tên là The Chapel (nghĩa là nhà nguyện) cũng như đặt cái tên thằng Tèo, thằng Tí mà thôi, không có gì đặc biệt” – anh nói.

Hiệp là tuýp người cực đoan, rất yêu những gì mình tạo ra, chỉ thấy công trình của mình “đẹp nhất trong số các công trình dự WAF 2014” khi tôi hỏi anh nghĩ gì về những công trình còn lại, bởi “mình hiểu nó nên thích nó nhất, xúc động lắm”.

Anh những muốn The Chapel có chừng 30 người khách đến vào một thời điểm, để giữ được trọn vẹn không khí thanh nhã, tĩnh lặng. Còn chủ quán, một người bạn thân của anh, đã thuê miếng đất trong 10 năm, lại cần nhiều hơn thế để bù vào chi phí hoạt động mỗi tháng chừng gần trăm triệu đồng.

Với Hiệp, chuyện mâu thuẫn giữa ý đồ thiết kế và việc sử dụng thực tế công trình “cũng bình thường thôi”. Anh yêu quý không gian mình tạo ra, nhưng “không gian cao nhất, tuyệt nhất là nơi mà con người sống tốt, từ bi với nhau”.

Hai cái cây trồng đăng đối ở trước và sau quán đã phải trồng lại, những bộ bàn ghế gỗ choán lấy không gian bên trong, người chủ quán đang trầm tư trước bài toán kinh doanh, khi “người ta bảo quán tôi giống quán nhậu hơn”, lại bán toàn đồ Tây ở một nơi khá xa trung tâm Sài Gòn.

Không gian được các kiến trúc sư thế giới công nhận là đầy sự tươi mới, “sử dụng vật liệu tối thiểu để tạo ra thông điệp lớn” và những màu sắc pha trộn tạo cảm giác thật dễ chịu đang vật lộn để giữ được căn tính của mình. Cuộc sống vốn đầy những nghịch lý.

—–

Nguyễn Hòa Hiệp là cái tên không xa lạ trong giới kiến trúc Việt Nam. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng nhưng hầu như không thấy anh xuất hiện để nhận giải. Anh tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 2001, mở a21 studio tháng 12-2009, hiện có năm thành viên, sau thời gian làm việc cho hai công ty thiết kế kiến trúc nổi tiếng khác.

Những người từng làm việc với Hiệp nói anh là người “tin bản thân mình dữ lắm”. Năm 2013, a21 studio làm ba công trình, đều cho những người mà Hiệp thân thiết, đều không lấy phí thiết kế, đều lọt vào danh sách xếp hạng trong các hạng mục của WAF.

Năm 2014, họ cũng chỉ làm ba công trình. “Đoạt giải, dù có nhiều khách hàng hơn thì số lượng nhận làm cũng chỉ vậy, không hơn. Nếu hơn sẽ quá sức, không kiểm soát được chất lượng” – Hiệp nói.

Hiệp nói a21 studio theo đuổi lối thiết kế duy mỹ. “Mình là kiến trúc sư thì phải làm ra cái đẹp để thay đổi suy nghĩ của nhiều người“. Các thiết kế của a21 studio đẹp trong sáng, tối giản, sử dụng vật liệu thiên nhiên với những điểm xuyết xao động về màu sắc. Anh muốn sống trong một thế giới riêng đầy chất thơ của mình.

Có người nói Hiệp ngông, thậm chí gọi anh là “Hiệp khùng”. “Tên đó cũng hay mà – anh nhận xét – Nhưng con người mình sao thì mình thể hiện trong thiết kế như vậy. Đó là những cái rất mới, chưa từng có ở đâu. Tuổi trẻ khi làm là phải làm những thứ mới, kinh thiên động địa. Nhưng cuộc sống thì bình dị, không ồn ào”.

Hạnh Nguyên

Share Button