- Địa điểm: Khuôn viên trường tiểu học Phước Tân A, Thôn Ma Ty, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận
- Nhóm thiết kế: Nhóm sinh viên trường Đại học Bách Khoa TPHCM (HCMUT)
- Hướng dẫn dự án: TS.KTS Lê Thị Hồng Na (HCMUT), Ths.Nguyễn Thanh Dũng (INSEE Việt Nam), Công ty TNHH Tư vấn công trình xanh GreenViet
- Quản lí dự án: Ths.Nguyễn Thanh Dũng, Võ Đức Trọng (Phó Chủ tịch xã Phước Tân)
- Nhà Thầu: Công ty cổ phần HBK net
- Nhà tài trợ: Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) – INSEE Việt Nam
- Ngày khởi công: 13/9/2022
- Khánh thành: 10/2022
Đồng hành thiết kế vị nhân sinh trong sáng tạo phát triển cộng đồng:
– Dự án Mật Ngọt có cách tiếp cận từ cộng đồng và hỗ trợ cho các trẻ em dân tộc thiểu số nói chung và học sinh tại điểm Đá Trắng trường tiểu học Phước Tân A, huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Dự án sẽ mang đến một không gian sinh hoạt và học tập an toàn, bền vững cho các em học sinh vùng núi, không những thế còn cung cấp sách vở để xây dựng nên một không gian hoàn chỉnh, góp một phần nhỏ vào mục tiêu phát triển cơ sở vật chất giáo dục và nâng cao đời sống cho cộng đồng nơi đây.
– Với rất nhiều những nỗ lực từ phía INSEE Việt Nam và sự chung tay của 6 đối tác bao gồm: Lãnh sự quán Thái Lan tại Việt Nam, Công ty TNHH Kingspan; Công ty TNHH Điện lạnh Miền Tây (Western); Công ty TNHH Nippon Paint (Việt Nam); Công ty TNHH Tư vấn Công trình Xanh GreenViet; Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC); Công ty TNHH Kinh doanh Lốp xe Bridgestone Việt Nam, Công ty CP Điện máy R.E.E và Xi măng giả gỗ CONWOOD, dự án đã bước đầu được hiện thực hóa, giúp mang đến một không gian đọc với cơ sở vật chất đầy đủ và được trang bị nhiều đầu sách phù hợp cho các em nhỏ cũng như các hoạt động ngoại khóa.
TIÊU CHÍ LỰA CHỌN DỰ ÁN
1. Lí do hình thành:
- Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đi học phổ thông còn thấp và không đồng đều giữa các dân tộc. Ngoài ra, mạng lưới trường học, cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục của bộ giáo dục đã đề ra.
- Nhận thấy thực trạng dạy và học tại Xã Phước Tân A, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận còn nhiều bất cập cần giải quyết và giúp đỡ.
- Giảm thiểu khoảng cách chênh lệch giáo dục giữa “miền núi” và “miền xuôi”.
- Địa phương và cộng đồng cam kết chung tay vì dự án.
2. Lí do chọn xây Thư viện:
Với bối cảnh cơ sở vật chất tại điểm Đá Trắng còn nghèo nàn, chỉ có 5 phòng học kiên cố, văn hoá đọc ở trẻ em miền núi nơi đây vẫn còn “đói sách”. Vì thế, ngôi trường này cần rất gấp một khối nhà thư viện mới để có thể phục vụ công tác dạy học và bồi dưỡng kiến thức cho hơn một trăm trẻ em tại đây. Từ đó với sự đóng góp, góp ý của các giáo viên, người dân và chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm để cùng thiết kế và xây dựng một thư viện cho các trẻ em nơi đây. Cũng là để thúc đẩy tinh thần học tập của các em học sinh và cải thiện chất lượng giáo dục trẻ nhỏ ở những vùng quê.
3. Mục đích:
– Giúp đỡ trẻ em dân tộc thiểu số còn khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục.
– Đem lại những nền tri thức bền vững.
- Không chỉ đáp ứng quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận giáo dục của học sinh mà còn học góp phần hình thành và phát triển văn hoá đọc của các em từ những cấp học sớm nhất.
- Thúc đẩy tư duy cho học sinh thông qua việc khuyến khích các con chủ động tìm kiếm thông tin, từ đó tự mình khám phá và làm chủ kiến thức mới.
- Cung cấp cho học sinh một không gian học tập rộng mở, tự do song vẫn đủ an toàn để có thể tổ chức tự học, rủ bạn bè cùng nhau học nhóm, trao đổi hoặc tìm lại những phút giây thư giãn tích cực sau những bộn bề của học tập và bài vở.
- Các Thầy Cô giáo, Thư viện trường học là một nguồn hỗ trợ đắc lực cho công tác giảng dạy của các Thầy cô trong quá trình chuẩn bị và hoàn thiện giáo án. Đồng thời, nhờ có thư viện, mà các Thầy cô cũng có nhiều không gian hơn để tổ chức các hoạt động giảng dạy của mình, liên tục sáng tạo, thay đổi để kích thích niềm đam mê học tập của các con học sinh.
- Tạo ra nguồn tài nguyên phong phú và dồi dào trong thư viện giúp thúc đẩy chất lượng dạy và học mà còn kiến tạo nên những không gian mang tính học thuật, văn minh và hiện đại.
PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC HIỆU QUẢ
– Tiếp cận nhu cầu từ chính người sử dụng.
– Kết nối nguồn lực chuyên môn – cộng đồng – địa phương – các bên đồng hành (Dự án được xây dựng với rất nhiều những nỗ lực từ phía INSEE Việt Nam và sự chung tay của các đối tác bao gồm: Lãnh sự quán Thái Lan tại Việt Nam, Công ty TNHH Kingspan; Công ty TNHH Điện lạnh Miền Tây (Western); Công ty TNHH Nippon Paint (Việt Nam); Công ty TNHH Tư vấn Công trình Xanh GreenViet; Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC); Công ty TNHH Kinh doanh Lốp xe Bridgestone Việt Nam và Công ty CP Điện máy R.E.E và Xi măng giả gỗ CONWOOD, trường Đại học Bách Khoa TPHCM và cộng đồng).
HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA DỰ ÁN
– Kết hợp với nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu, trưng bày sách thu hút nhiều học sinh tại các điểm trong khu vực cùng tham gia. Bên cạnh đó, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp giới thiệu sách tham khảo, sách nâng cao của từng môn học, tổ chức các giờ ngoại khóa cho học sinh đến đọc.
– Thư viện có góc tra cứu, góc viết vẽ, trò chơi, các giá sách có nhiều chủng loại và được sắp xếp bài bản, ngăn nắp. Bố trí 1 tiết đọc/1 lớp/1 tuần và giao trách nhiệm cho nhân viên thư viện trao đổi sách truyện thường xuyên từ điểm chính đi các điểm lẻ mỗi tháng/1 lần để đảm bảo tất cả các học sinh trên các điểm lẻ đều được đọc sách tại thư viện.
– Dự án đảm bảo không gian sinh hoạt, học tập và đầu sách cho hơn 100 học sinh tại điểm Đá Trắng. Cung cấp hơn 3000 quyển sách đảm bảo phục vụ cho các em học sinh tại trường. Những ngày hè, dù nghỉ học nhưng trường và thư viện không đóng cửa. Ngoài ra giáo viên chủ nhiệm cũng luân phiên nhau trực thư viện để cho học sinh đến đọc, tìm sách mượn về nhà. Đối với các điểm trường lẻ, giáo viên bản địa sẽ đưa sách về nhà phục vụ học sinh…
– Dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối tháng 10/2022.
TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI
– Tạo thói quen và ý thức đọc và làm theo sách của học sinh. Hạn chế chơi game online, chơi điện thoại hay trốn nhà đi tắm sông suối nguy hiểm. Sau đó, phong trào tổ chức đọc sách cho trẻ em được nhân rộng đến nhiều địa phương trong huyện.
– Việc quyên góp sách từ thiện cho các vùng trung du miền núi và xây dựng lên những thư viện đọc sách nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của mọi người để ai cũng có cơ hội đến gần hơn với sách.
– Dự án như một gợi ý mở cho các dự án cộng đồng từ các tổ chức đóng góp hảo tâm và quỹ thiện nguyện.
KHẢ NĂNG NHÂN RỘNG DỰ ÁN
– Rất nhiều địa điểm đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, chưa mang lại được không gian học tập, sinh hoạt tốt cho các em cần giúp đỡ. Đồng thời, tiếp tục đề xuất cùng cán bộ hỗ trợ địa phương tiếp tục hỗ trợ kĩ thuật và giám sát vận hành để mở rộng mạng lưới hoạt động của thư viện thân thiện.
– Với những hiệu quả ban đầu từ mô hình Thư viện Mật Ngọt tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện Bác Ái sẽ là nền tảng vững chắc ươm mầm, phát huy văn hóa đọc sách trong thư viện tại nhà trường, giúp học sinh cũng như mọi người dân nâng cao kiến thức, nâng cao tầm hiểu biết của mình thông qua việc đọc sách từ đó biết trân trọng và yêu quý sách.