MPC Tower / MIA Design Studio

 

Vị trí của dự án nằm trên đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận, TPHCM, thuộc trục đường kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm thành phố. Đây là một khu đô thị hiện hữu đông đúc với mật độ dày đặc, các cửa hàng kinh doanh, các công trình dịch vụ thấp tầng bám dọc hai bên  đường, lưu lượng giao thông qua nơi này rất lớn, hiện trạng cây xanh cũng rất thưa thớt. Những yếu tố trên tạo nên một môi trường đầy tiếng ồn, khói bụi và thiếu những khoảng thở, thiếu những không gian cộng đồng cho con người và đô thị.

Định hướng thiết kế của tòa nhà là bên cạnh tính hiệu quả về công năng, thẩm mỹ mang lại cho người sử dụng, thì thiết kế phải tạo nên sự cân bằng khi đối thoại với bối cảnh  xung quanh, tạo nên một khoảng thở cho đô thị , một hệ sinh thái theo phương đứng và là một không gian cộng đồng để kích thích sự giao tiếp giữa con người với nhau. . Khi đó, khái niệm một  tòa nhà lúc này không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ con người trước những tác động xấu của môi trường mà còn là nơi kết nối con người với con người, kết nối con người với môi trường tự nhiên.và hơn thế nữa là góp phần một khoảng rỗng, một hệ sinh thái cho đô thị.

Với ý tưởng hướng tới sự cân bằng, tòa nhà sẽ tạo nên “những khoảng trống” ở mỗi tầng là “những không gian xanh”, để trả lại cho đô thị một sự cân bằng sinh thái, một khoảng thở cho con người khi đối thoại với bối cảnh đô thị.

Đối với khối văn phòng “những khoảng trống” là nơi mà mọi người làm việc ở đây có thể thư giãn, gặp gỡ và giao tiếp. Đối với khối căn hộ “những khoảng trống” là những khoảng sân vườn riêng, nơi mà những cư dân của tòa nhà có thể khôi phục lại nguồn năng lượng sống sau những giờ làm việc.” Những khoảng trống” là nơi để quên đi những khói bụi ồn ào ngoài kia để con người thấy mình gắn kết với thiên nhiên nhiều hơn.Trên suốt cao trình, “những khoảng trống” này sẽ được bố cục để kết nối với nhau theo phương đứng tạo thành không gian liên hoàn, sự cộng hưởng đó sẽ giúp cho “những khoảng trống” phát huy tối đa giá trị của mình, đó chính là sự kết nối cộng đồng.

Giải pháp tổ chức giao thông: Tòa nhà 19 tầng được chia làm 2 phần: nửa dưới là khối văn phòng, nửa trên là khối căn hộ. Sảnh tiếp cận được tổ chức tách biệt, sảnh văn phòng nằm ở tầng 1 và sảnh căn hộ nằm ở tầng bán hầm. Với cách tổ chức này sẽ giúp tiết kiệm không gian bố trí lõi giao thông đứng, mà vẫn đảm bảo sự riệng tư cho 2 đối tượng sử dụng khác nhau.

Giải pháp mặt đứng: Với khối tích mà tòa nhà có thể xây dựng trên một quỹ đất hạn chế, chiều cao 19 tầng chưa tạo ra một tỉ lệ tốt. Thủ pháp đưa ra là chia khối tích đó ra thành nhiều khối nhỏ thanh mảnh hơn theo phương đứng, nhằm công nhận sự vươn cao của khối công trình. Vỏ bao che tòa nhà là một lớp da kép, bên ngoài khoảng không gian đệm là một kệ thống lam nhôm kết hợp với hệ thống dây leo , cây rũ. Khỏang cách của những thanh lam và cách bố trí các mảng xanh trên mặt đứng sẽ thay đổi ùy theo những khoảng không gian cần mở tầm nhìn và không cần mở tầm nhìn. Lớp vỏ bao che và khoảng không gian đệm sẽ giúp cho những không gian làm việc, không gian ở được bảo vệ tốt hơn trước nắng, gió, mưa của Sài Gòn nhiệt đới. Những khoảng không gian đệm và những mảng xanh trên mặt đứng sẽ giúp cải thiện chất lượng tầm nhìn, thay vì trực tiếp nhìn ra những mái nhà bê tông với những bồn nước khô cứng, con người khi sống và làm việc ở đây sẽ nhìn ra những khoảng sân vườn xanh mát.

Giải pháp hệ sinh thái:  Giữa một khu đô thị tự phát đông đúc, tòa nhà sẽ xuất hiện cùng với một hệ sinh thái nhân tạo bao gồm 4 hệ thống: (1) hệ thống sân vườn trên tầng mặt đất, (2) hệ thống sân vườn là lớp đệm chuyển tiếp giữa không gian bên trong và bên ngoài, (3) hệ thống sân vườn liên hoàn được tạo ra từ cách bố cục không gian và (4) hệ thống cây xanh tham gia vào bố cục trên mặt đứng công trình. Sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái này sẽ gắn liền với cách mà tòa nhà vận hành hằng ngày, như thể tòa nhà cũng là một cơ thể sống, cũng hít thở khí trời, quang hợp, trao đổi chất với môi trường và thay đổi hình dáng theo từng mùa nắng, mùa mưa.

Một Sài Gòn “dày đặc” và “lộn xộn” hiện đang rất cần “những khoảng trống” để lắp đầy sự “rỗng” trong tâm hồn của mỗi con người cứ mãi xoay vần theo cuộc sống bộn bề thường nhật.

Share Button