- Địa điểm: Thái Nguyên
- Thiết kế: AD+studio
- Kiến trúc sư: Nguyễn Đặng Anh Dũng, Âu Ý Nhiên, Nguyễn Văn Trung, Võ Đình Huỳnh
- Giám sát: Nguyễn Văn Trung
- Xây dựng: AD+studio & thợ địa phương
- Hoàn thành: 2019
- Hình ảnh: Dũng Huỳnh
Qua những chuyến đi khảo sát hiện trạng và tìm kiếm tư liệu thiết kế, các KTS của AD+studio không khỏi ấn tượng với hình ảnh lớp lớp mái tole xanh đỏ, chồng lên nhau, như một nét đặc trưng từ trên cao của những căn nhà trong khu vực. Thêm vào đó là sự thú vị khi tiếp cận một hiện trạng độc đáo: nhìn từ bên ngoài tưởng chừng như là một căn nhà phố dài, hẹp, điển hình; nhưng đi sâu vào lại là cụm ba khối nhà đơn lẻ xoay quanh một khu vườn rộng rãi, thoáng đãng phía sau.
Chủ nhà là một cặp vợ chồng trẻ thế hệ 9X, học tại Hà Nội nhưng chọn sống và làm việc ở Thái Nguyên. Nếp sống hướng nội, yêu thích sự tĩnh lặng như một cái duyên cộng hưởng giữa bối cảnh hiện trạng và tính cách con người. Dựa vào đó, các KTS của AD+studio đã thiết kế nên Nhà CHỒNG MÁI – câu chuyện tôn trọng không khí yên bình vốn có, được củng cố và xử lý lại trên một tinh thần đương đại, phóng khoáng và trẻ trung hơn.
Hệ khung bêtông của hai khối nhà chính được giữ lại, gia cố thêm bởi giàn vì kèo thép kết cấu mái lấy cảm hứng từ bối cảnh xung quanh, tạo ra một không gian vượt nhịp. Giải pháp này vừa giải phóng hoàn toàn tầm nhìn khu vực bên dưới ra sân vườn, vừa tăng diện tích sử dụng bên trên, đồng thời tạo ra một công trình “chồng mái” hòa hợp trong tổng thể.
Hệ mái chuyển tiếp từ vật liệu trong mờ sang che chắn, từ chung sang riêng. Phần mái poly kết hợp vách gạch kính trước nhà làm tan biến công trình vào bối cảnh; và cũng có vai trò như một khối nhà kính cho sân thượng trồng cây xanh. Phần mái che chắn cấu tạo bởi hai lớp tole màu đặt trên hệ trần kính, tạo ra một vùng đối lưu không khí, hạn chế hơi nóng xuống các khu chức năng mà vẫn giữ được cảm xúc của khung kết cấu.
Đứng trước căn nhà, qua vách gạch kính nằm giữa vỉa hè cây xanh và khu vườn phía trước, sự ngăn chia trong ngoài dường như chỉ mang tính ước lệ. Khối công trình cũ dành một phần diện tích cho sân vườn cây cỏ như thêm vào một khoảng đệm giữa con đường quốc lộ xô bồ bên ngoài và không gian sống yên tĩnh bên trong.
Qua hành lang hẹp – gạch nối không gian chung phía trước và không gian riêng phía sau – thấp thoáng một góc sân vườn, thu hút sự tò mò của người tiếp cận. Ở đây, các KTS của AD+studio đã sử dụng thủ pháp nén không gian để tăng tính bất ngờ khi mở ra một khoảng trời mới rộng rãi, thoáng đãng cuối hành lang. Bằng cách thiết kế để không gian sinh hoạt và khu vườn hòa quyện vào nhau, tạo nên một thể thống nhất, tái hiện một bầu không khí an yên của đồng bằng Bắc bộ qua góc sân và khoảng trời rộng mở.
Ở công trình này, vai trò kiến trúc chỉ là sự nhận biết và chuyển tiếp. Công trình như một phông nền dung hòa giữa bối cảnh, tự nhiên và con người. Mà ở đó, người sử dụng – một thực thể linh hoạt sống động – sẽ tự viết nên câu chuyện của chính mình.