Địa điểm: thành phố Đà Lạt
Thiết kế: A+ Architects
Diện tích khu đất: 290 m2
Chiều cao: 2 tầng
Hoàn thành: 2019
Nhiếp ảnh: Quang Tran
Thuyết minh của KTS:
Khu đất mà công trình tọa lạc nằm trên khu vực sườn đồi hoang vắng với nhiều tiềm năng về tầm nhìn. Tuy nhiên, nơi này lại gặp nhược điểm là khá dài và hẹp, cùng với hiện trạng nhà dân nằm sát hai bên dẫn đến việc khai thác tầm nhìn bị hạn chế.
Để khắc phục nhược điểm trên, công trình được thiết kế thành những khối nhà phân tách. Sự phân chia này tạo ra các không gian riêng tư cho du khách, đồng thời dành được khoảng trống để trồng cây xanh, tô điểm cho vẻ ngoài của căn nhà.
Nhóm thiết kế đã đưa ra giải pháp nâng nhà lên cao khỏi mặt đất để tạo không gian mở cho các hoạt động homestay. Các phòng được sắp xếp với dụng ý khuyến khích sự kết nối và giao tiếp giữa các không gian. Nhà Nhím bao gồm 6 khối nhà được thiết kế với diện tích khác nhau, phù hợp với nhu cầu của du khách. Sự khác biệt về cao độ đem lại cảm giác mới lạ mỗi khi đến nơi đây.
Các loại vật liệu phế thải được thu thập và tái chế lại, trở thành một phần kiến trúc trong Nhà Nhím Homestay. Chất liệu gỗ trên trần và tường bao xung quanh nhà đều được tái sử dụng từ cành cây hay gỗ bỏ đi. Các khối bê tông cũ được tận dụng làm một phần tường nhà và các bậc cầu thang lên xuống, được căn chỉnh cẩn thận để tạo nên độ chênh lệch giữa các khối nhà trong homestay, như mô phỏng lại hình ảnh quen thuộc của thành phố mộng mơ với những vách taluy đá.
Vách kính được thiết kế cho hầu hết tường bao của công trình để tối ưu diện tích, kết nối không gian giữa bên trong và bên ngoài, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. Các mảng màu sắc trong Nhà Nhím tạo nên sự thú vị trong mỗi gian phòng, đan xen giữa những mảng màu xanh đỏ với sắc độ trung tính. Nội thất được tận dụng từ vật liệu tự nhiên với chất liệu chủ đạo từ gỗ, mây, tre, đan, đem lại cảm giác gần gũi và thư thái như trở về cuộc sống ở vùng thôn quê.
Nhà Nhím Homestay không chỉ là một địa điểm lưu trú mang đậm chất thơ và sự lãng mạn của mảnh đất Đà Lạt, mà nó còn ghi dấu ấn cho một cuộc phiêu lưu của kiến trúc sư về việc tận dụng những vật liệu bỏ đi, tạo nên các công trình có ý nghĩa.