PHI house / UX Space

Địa điểm: Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh
Thiết kế: UX Space
Nhóm thiết kế: Nguyễn Nhật Linh, Lê Quỳnh Như
Thi công: Thợ địa phương
Thi công nội thất: Công ty CP KTXD Nội Thất Sweet Home
Thiết bị: Thiết bị vệ sinh INAX, kính Thuận Thành, cửa nhôm Xingfa, đèn Philips, tôn Hoa Sen, thép Hòa Phát
Tổng diện tích sàn: 120m2
Số tầng: 1 trệt 1 lầu
Hoàn thành: 2021
Ảnh: Nguyễn Nhật Linh

Thuyết minh của KTS:

ĐẠI DỊCH ĐỊNH HÌNH KIẾN TRÚC

Là một trong những đô thị đông dân nhất của Đông Nam Á, cuộc sống ở thành phố Hồ Chí Minh vô cùng bộn bề, ngột ngạt và áp lực. Hơn nữa, đối mặt với đại dịch Covid-19, việc này đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân tại TP.HCM, con người “mắc kẹt” ở nhà và phải làm quen với lối sống mới “Vừa làm kinh tế, vừa chống đại dịch”. Đối mặt với những thách thức và nhu cầu mới trong giải pháp thiết kế kiến trúc, ngôi nhà giờ đây không chỉ đơn giản là không gian sống mà được biến thành nơi làm việc.

PHI house là một hình thái nhà ở mới được thiết kế bởi UX Space, trong bối cảnh ở một “siêu” đô thị như thành phố Hồ Chí Minh cũng như ứng phó với những thay đổi và thách thức trong “cuộc sống bình thường mới của đại dịch Covid-19”.

TÍNH NHIỆT ĐỚI TRONG PHONG CÁCH TỐI GIẢN

Giữa bối cảnh đô thị nén và dịch bệnh, UX Space đề xuất việc sử dụng tối thiểu diện tích của khu đất, nhằm giữ lại những khoảng mở hiếm hoi cho ngôi nhà đảm bảo rằng dù diện tích nhỏ nhưng tất cả các không gian đều có sự thông thoáng đối lưu và tràn ngập ánh sáng tự nhiên.

Bên cạnh đó, yếu tố ngân sách gia đình và tính cấp thiết của việc chuyển nhà đặt ra nhiều thách thức, vì vậy UX Space đã đề xuất thiết kế kiến trúc cực kỳ tối giản và đơn giản để giảm chi phí xây dựng và thời gian lắp đặt, mang đến giải pháp nhà ở tối ưu về chất lượng và giá cả phải chăng cho một gia đình nhỏ.

Tuy nhiên, tính tối giản khi được áp dụng cùng với sự am hiểu môi trường khí hậu nhiệt đới chính là sự song hành tương hỗ, thể hiện được cá tính riêng hiện đại và hướng nội của gia chủ. Không giống như những ngôi nhà phố điển hình khác ở TP.HCM, PHI House không mở ra bên ngoài mà hướng vào bên trong. Tính tối giản được thể hiện qua thiết kế hai mặt tiền của PHI House, chỉ mở “vừa đủ” để đón ánh sáng ban ngày và thông gió, hạn chế tiếng ồn và ô nhiễm. Tính nhiệt đới cũng được UX Space chăm chút với hàng ô (lam) thép vừa tạo điểm nhấn cho mặt tiền có phần tối giản, nhưng cũng đóng vai trò công năng như một “mái hiên” che nắng và chống hanh cho không gian sinh hoạt bên trong, đồng thời, cũng giúp bảo vệ sự riêng tư và tính thân mật của công trình.

LÀM VIỆC TẠI NHÀ, SÂN VƯỜN VÀ KHÔNG GIAN TƯƠNG TÁC

Bên trong PHI House có sự đối lập hơn về cảm quan tối giản bên ngoài, đó chính là không có ranh giới cụ thể giữa các không gian (trong đó: phòng khách + sân vườn + bếp + ăn; ngủ + làm việc; lưu thông + lưu trữ; vv.). Việc kết hợp không gian cũng được thể hiện dọc theo hành lang chính, được xác định bởi một hệ kệ “built-in” dài 14 mét. Mọi vật dụng gia đình được sắp xếp và lấp đầy trong một cấu trúc trật tự của hệ kệ tạo nên tính đa dụng và linh hoạt cho người sử dụng.

Diện tích còn lại sẽ được sử dụng cho không gian mở, sân vườn, giếng trời, nhằm tăng sự thông thoáng và ánh sáng tự nhiên, giúp công trình có độ “thở” trong môi trường đô thị ngột ngạt. Điều thú vị của một ngôi nhà đa dụng không chỉ thể hiện ở các bố trí mặt bằng công năng mà còn ở các mặt cắt không gian. Qua đó cho thấy các không gian tương tác và kết nối với nhau không chỉ theo chiều ngang mà còn theo chiều dọc nhờ vào các khoảng mở của công trình.

Trong triết lý thiết kế của UX Space, trải nghiệm người dùng là thước đo cho tiêu chuẩn thiết kế. Với dự án PHI House, trải nghiệm này đặt ra thách thức trong thiết kế làm sao để tăng giá trị sống cho gia chủ khi vừa phải làm việc tại nhà, vừa phải quán xuyến gia đình, lại vừa giải tỏa căng thẳng trong thời gian cách ly kéo dài? Giải pháp đưa thiên nhiên vào nhà ở lại trở nên rất cần thiết trong bối cảnh đô thị nén của TP. HCM; góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình và cải thiện tâm lý, sức khỏe con người khi ở gần với cây xanh. Mô hình nhà ở thích ứng với lối sống giãn cách xã hội nhưng bền vững trong thời đại mới. Đại dịch Covid-19, một phần nào đó, giúp ta một lần nhìn nhận lại định nghĩa kiến trúc nhà ở và gia đình…nơi chốn ta vô tình lãng quên trong bộn bề lo toan của cuộc sống, những con đường tấp nập và những giờ làm tăng ca.

Share Button