Rạng Đông Symbiocity – Tổ hợp nhà máy cộng sinh hậu công nghiệp
- Địa điểm: Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội
- Thiết kế : KTS Mai Hưng Trung / atelier M32
Hà Nội sau Đổi Mới chứng kiến một sự giãn nở theo cấp số nhân của vùng đô thị. Và điều này nhiều khi đi trước tốc độ thực thi của các đề án di dời các nhà máy công nghiệp ra khỏi nội đô, chúng nghiễm nhiên trôi dần từ ngoại biên vào vùng lõi của thực thể đô thị mới. Rạng Đông không phải ngoại lệ. Công ty được thành lập cuối những năm 50 , và là 1 trong 13 nhà máy đầu tiên được thành lập trong giai đoạn bao cấp , đặt nền móng cho nền công nghiệp của Việt Nam. Vụ hoả hoạn tại nhà xưởng Hạ Đình vào tháng 8 năm 2019 đã đưa mối lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí nói chung và môi trường nói riêng tại các đô thị lớn ở Việt Nam lên tới đỉnh điểm. Người dân bắt đầu hoài nghi về một Royal City thứ hai, về việc những nguồn lực tư bản và chế tài đầu cơ bất động sản đang nhăm nhe hô biến các không gian nội đô thành các dự án bất động sản đơn chức năng với khối tích vượt quá sức tải của cơ sở hạ tầng cũng như hệ sinh thái bản địa.
Dự án tìm cách thiết lập sức mạnh tổng hợp (synergy) hơn là sự đối kháng giữa tự nhiên và kiến trúc. Với mục đích chuyển đổi khu công nghiệp Rạng Đông sau thảm họa thành một thành phố cộng sinh với khả năng tự tái tạo của hệ sinh thái. Dự án tập trung vào việc khôi phục sự cân bằng giữa nhu cầu phát triển của một khu đô thị đa chức năng và sự cấp thiết của việc tái tạo thiên nhiên và những mảng rỗng của đô thị. Tái cấu trúc không gian sản xuất, nâng cao sự tương tác giữa văn hóa, nơi chốn-thiên nhiên và để thiên nhiên tiếp quản thành phố. Dự án khám phá khái niệm thiết kế Biophilic ở quy mô đô thị. Chúng tôi coi tổng thể như một hệ sinh thái nơi con người là một phần và được đặt ở trung tâm. Sử dụng thiên nhiên như một hạ tầng kết nối nhà máy với cộng đồng dân cư một cách bền vững, đa chiều, hài hòa và cân bằng. Dự án tập trung vào việc khôi phục trạng thái cân bằng giữa thành phố và thiên nhiên, tìm lại những không gian cho thiên nhiên nơi nó từng là.
Sửa chữa cấu trúc bị hư hỏng, tái tạo không gian sản xuất, nâng cao tính chất nhị phân của văn hóa địa phương và để thiên nhiên tiếp quản nơi chốn. Dự án bao gồm 5 yếu tố chính: 4 dải công năng và 1 dải kết nối: Khôi phục, Sửa chữa, Cải tạo, Tái tạo, Tái cấu trúc tương ứng với 5 chương trình chính: Giải trí, Văn hóa, Sản xuất + Tiêu dùng, Nhà ở + Tiện nghi, và hạ tầng sinh thái.
5 giải pháp chính: Tái tạo: xây dựng nhà ở hỗn hợp với 3 nguyên mẫu nhà chung cư (collective housing), tiện nghi và trường học dựa trên lưới cấu trúc ban đầu. Nhà ở được hình thành bằng các vật liệu và cách thức địa phương. Gạch nung, bê tông thô, các yếu tố kiến trúc tận dụng từ công trường bị phá dỡ (cửa đi, cửa sổ) là vật liệu xây dựng chủ yếu không hoàn thiện nhằm giảm tối đa chi phí xây dựng, năng lượng xám và phát thải CO2.
Cải tạo: Tổ chức lại toàn bộ khu phức hợp, loại bỏ một cách chiến lược một số khối tích giúp thông gió và lưu thông không khí tốt hơn. Giữ nguyên cấu trúc cơ bản, thay một số mái bằng polycarbonate để thích ứng với các chức năng mới, không gian sản xuất mới là nhà kính, chợ địa phương và xưởng thủ công.
Sửa chữa: giữ lại hầu hết cấu trúc ban đầu,đưa những chức năng mới vào và biến thành một quần thể văn hóa, sáng tạo. Giữ nguyên toàn bộ cấu trúc như một phần của ký ức của nơi chốn. Ngoài ra, dự án cũng cố gắng giới thiệu các không gian công cộng cho cộng đồng địa phương cũng như phát triển du lịch.
Khôi phục và Tái cấu trúc: Tái tạo một Hệ sinh thái với thảm thực vật bản địa kết nối địa điểm dự án với các yếu tố tự nhiên xung quanh để tạo ra một dải kết nối xanh, gắn liền với bối cảnh của nó. Dải khép kín này được phân định bởi các chuỗi hoạt động xã hội khác nhau (sequences).
Khu vực này được tổ chức lại theo 4 đường theo 4 chương trình hỗn hợp: sống, làm việc, sản xuất văn hóa và phục hồi thiên nhiên được xen kẽ bởi dải kết nối sinh thái và chương trình hoạt động thương mại / du lịch.
Cấu trúc chương trình này xóa mờ lằn ranh giữa công cộng, tư nhân, sống và làm việc, sản xuất và tiêu dùng, tạo ra một lối sống đô thị mới với sự gần gũi, nền kinh tế vòng tròn.
Không thể tách rời tự nhiên và văn hóa, chúng cùng tồn tại một cách cân bằng. Do đó, dự án nhằm mục đích tạo ra chương trình sản xuất chức năng cho mọi không gian đơn lẻ có hoạt động văn hóa. Tự nhiên hóa hình thức kiến trúc và tạo hiệu lan tỏa ở một tỷ lệ đô thị lớn hơn.
Nơi chốn giống như một thực thể sống, để thực thể đó có tồn tại, các phân khu phải liên kết một cách hữu cơ với nhau. Dải kết nối sinh thái có chức năng như một hạ tầng xanh không chỉ tạo nên sự liên kết về không gian mà còn giúp cho việc lưu thông trở nên dễ dàng hơn, cây xanh phủ kín lối đi và các không gian công cộng tạo bóng mát và giảm nhiệt đô thị. Nó đã tái cấu trúc cảnh quan và hòa trộn nó vào cấu trúc nhân tạo, kết cấu đô thị do đó trở nên xốp và đàn hồi hơn. Bằng cách sử dụng mô phỏng khí động học như một phương pháp tìm hình thức (form finding), chúng ta có thể xác định những vị trí phù hợp để tạo ra các khe hở cũng như đường đi nhằm tăng tốc thông gió thụ động. Kết nối mái ngoài của các nhà xưởng với nhau để tạo thành bộ thu gom nước mưa và tăng độ cứng cho toàn bộ kết cấu. Symbiocity cố gắng hài hòa các yếu tố sinh học và phi sinh học của cùng một hệ sinh thái, nơi các dinh thự do con người tạo ra và con người đều là một phần của nó.