Roof of Knowledge / A+ Architects

Địa điểm: huyện Châu Thành, tỉnh An Giang
Thiết kế: A+ Architects
Chủ trì thiết kế: Vũ Hoàng Kha
Thiết kế kĩ thuật: Từ Phan Nguyên Trường
Nhóm thiết kế: Nguyễn Trọng Huân, Nguyễn Long Ẩn, Kinga Tomalak, Nguyễn Thị Lan Anh, Lê Anh Huy
Diện tích: 59164 m2
Năm thiết kế: 2020

Thuyết minh của KTS:

Dự án tọa lạc tại tỉnh An Giang thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long- nơi nổi bật với hình ảnh lúa nước và trên bến dưới thuyền. Vị trí dự án nằm ở phía Tây của tỉnh An Giang và cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 8km.

Dự án này là một cơ sở trong năm cơ sở của trường đại học với đặc điểm nhận diện thương hiệu của trường là mặt nước rộng lớn và những hàng cây xanh. Mục đích của dự án này không chỉ kế thừa kiến ​​trúc của cơ sở chính mà còn kế thừa nguồn cảm hứng của vùng đồng bằng sông Cửu Long là cây cối- ruộng lúa- mặt nước. Khuôn viên trường bao gồm các chức năng: thư viện, văn phòng, phòng học, ký túc xá, trung tâm thể thao. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi thiết kế hai khối nhà đầu thư viện và văn phòng cũng như quy hoạch lại tổng mặt bằng và định hướng các chức năng khác trong tương lai dựa trên định hướng thiết kế.

Những vấn đề mà chúng tôi phải giải quyết khi tiếp cận dự án này là tuy công trình có thể tiếp cận từ 3 hướng, nhưng trục đường chính là đường cao tốc nên sẽ xảy ra những rủi ro như an toàn giao thông, tiếng ồn, ô nhiễm không khí,… Mặc dù bối cảnh phía sau khu đất là cánh đồng lúa rộng lớn nhưng xung quanh công trình lại bị những khu ổ chuột bao bọc.

Trên khu đất rộng 5 ha, chúng tôi đề xuất một mái nhà tri thức giữa hai mặt của các tòa nhà. Đó không chỉ là biểu tượng của ngôi nhà vô hình trên mặt nước với ruộng lúa phía sau mà còn là tấm lòng rộng mở đón nhận hình ảnh tri thức, mọi hoạt động được diễn ra dưới “mái nhà tri thức” này. Sự liên hoàn của bối cảnh, cảnh quan, mặt nước tạo nên dòng chảy cho công trình. Cảm hứng từ bản sắc An Giang không chỉ thể hiện trên mặt bằng mà còn thể hiện trên mặt đứng. Sự phát triển của đất nước đi đôi với ​​sự đô thị hóa khi xuất hiện rất nhiều công trình kiến ​​trúc hiện đại. Do đó, tính bền vững đã nổi lên như một chủ đề được quan tâm và mục đích của việc này là tạo ra một trường đại học bền vững là để giảm bớt áp lực lên môi trường. Cảnh quan cũng đóng một vai trò quan trọng trong quy hoạch và kiến ​​trúc, nó giúp người sử dụng kiểm soát cảm xúc của mình, đồng thời bảo vệ toàn bộ khuôn viên nhờ lớp cây xanh bao phủ.

Thay vì sử dụng mảng phẳng thông thường, hình thức mặt đứng được xử lí dưới dạng giật bậc. Ngoài làm tạo hiệu ứng mảng xéo, nó còn tạo bóng đổ cho khối bên dưới theo nguyên lí ô văng: khối trên che khối dưới. Không gian trên mặt đứng được tổ hợp dưới dạng module. Mặt đứng được xây dựng dưới dạng BTCT thông thường. Trên mặt đứng trồng cây hệ lúa vừa tạo được lớp cách nhiệt cho công trình, vừa tạo tính nhận diện cho cả ngoại thất lẫn nội thất. Bối cảnh xung quanh là các nhà cấp 4 lụp xụp, các cây lúa được trồng theo tầng nhằm tránh sự đứt mạch cảm xúc cho người sử dụng khi nhìn ra ngoài.Công trình tạo nhiều mảng xanh và cây địa phương, giữ lại những cây hiện trạng thay vì phá bỏ. Hạn chế mật độ bê tông hóa, góp phần cải thiện vi khí hậu cho trường. Công trình sử dụng cây địa phương như: me nước, cây thủy sinh, cây họ lúa,… để tạo cảnh quan.Mặt nước lớn góp phần tạo bóng đổ tương phản cho công trình, khiến công trình hoành tráng và thân thuộc hơn với sông nước miền Tây.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, mục đích chính của dự án này là tạo ra một không gian chung bên ngoài, nơi kết nối và giao lưu với sinh viên. Đặc biệt, duy trì văn hóa lúa nước là hành trang thuộc về các em học sinh,sinh viên- những người thành đạt trong tương lai.

Share Button