Tòa văn phòng The Bridge / G8A, Xưởng VUUV

 

  • Địa điểm: Hà Nội
  • Đơn vị thiết kế: G8A – hợp tác cùng Xưởng VUUV
  • Chủ đầu tư: OpenAsia Group
  • Diện tích: 1500m2
  • Năm hoàn thành: 2019
  • Nhiếp ảnh: Khoo Guo Jie (Studio Periphery), Le Hai Anh, Duy Thanh Nguyen (G8A)

 

The Bridge là một giải pháp thiết kế có tính thích ứng cao, trong bối cảnh không gian, cảnh quan khu vực mang đậm dấu ấn xã hội của đô thị Việt Nam.

Nằm giữa phố cổ Hà Nội, công trình nổi bật bởi cách nhìn nhận vấn đề – là sự pha trộn giữa cũ và mới, vừa giống một nhà kho cũ kĩ, lại vừa hiện đại không kém các tòa dịch vụ thường thấy. Thiết kế còn mang tính nhận diện các thương hiệu sang trọng đã làm nên tên tuổi của OpenAsia Group tại Việt Nam.

Nền tảng của thiết kế là việc sử dụng hai lớp bê tông làm trọng tâm: thứ nhất chứa các không gian sử dụng chính đồng thời là lưu tuyến – giao thông trong công trình, thứ hai lưu trữ các tài liệu của công ty, nơi còn được gọi là Memory Wall.

Tại trung tâm công trình là không gian mở. Do kết cấu sử dụng toàn bộ là bê tông chịu lực, The Bridge không có hệ cột dầm, nhờ đó không gian được mở rộng theo nhiều hướng – giúp cho việc tạo hình các cửa sổ lớn xung quanh. Mỗi phòng đều có thể view được toàn cảnh mà không bị cản trở lẫn nhau.

Cảm giác về không gian mang đến sự đặc biệt cho tòa nhà. Trái ngược hoàn toàn với mật độ dày đặc các công trình xung quanh, The Bridge tạo ra các nền tảng mở, giúp cho người dùng tiếp cận được môi trường tự nhiên – trải nghiệm hiếm có tại những nơi đông đúc như phố cổ Hà Nội. Các văn phòng phía trong được tối ưu hóa cho bất cứ mục đích sử dụng nào trong tương lai.

Trong thiết kế của mình, G8A đề xuất một ngôn ngữ có sự liên kết giữa cấu trúc và hiệu ứng độ xốp thị giác. Sảnh chính không cửa, cảm giác như đi trực tiếp từ vỉa hè vào khi người dùng tiếp cận công trình.

Mặt đứng hướng Bắc Nam của tòa nhà dự kiến sẽ còn được phát triển thêm trong tương lai.

Sảnh vào gây ấn tượng bởi hệ lưới thép tạo hiệu ứng lỗ, cùng với đó – cây xanh ở mặt đứng phía sau mang lại bóng mát và cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt, không gian mở theo chiều đứng phía sau tòa nhà khai thác được ánh sáng tự nhiên và thông gió, như một bộ lọc thân thiện giữa vẻ hỗn độn của đô thị gần đó.

Khi vào tòa nhà, chúng ta bắt gặp những tín hiệu thể hiện rõ triết lý của OpenAsia: “Biến những nguyên liệu thô thành các sản phẩm chất lượng”.

Việc sử dụng kết cấu bê tông tạo sự thô mộc, bên cạnh đó là điểm nhấn đến từ màu sắc, ánh sáng và các chi tiết được đánh bóng bằng đồng, truyền đạt ý tưởng cái mới mẻ hình thành từ những thứ thô ráp. Sự tương phản càng thể hiện rõ khi di chuyển từ các hành lang lưu thông sang khu vực làm việc chính.

G8A muốn biến The Bridge – Chiếc cầu nối này thành một thiết kế có tính bền vững, tồn tại lâu dài tại phố cổ Hà Nội, một phương án từng được triển khai trước đây tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Tạo hình từ kết cấu bê tông là giải pháp thích ứng tốt, nêu cao bản chất mạnh mẽ từ hệ thống chịu lực của công trình. Trong tương lai, tòa nhà sẽ thích nghi và còn được hoàn thiện hơn nữa từ nhiều góc độ.

Share Button