Trần Thị Ngụ Ngôn & Nguyễn Hải Long

Tran-Thi-Ngu-Ngon-Nguyen-Hai-Long-599x900Nguyễn Hải Long, sinh năm 1977, học Đại học Kiến trúc TP.HCM khóa K96

Trần Thị Ngụ Ngôn, sinh năm 1979, học Đại học Kiến trúc TP.HCM khóa K98

Cặp đôi kiến trúc sư trẻ này đã sáng lập văn phòng kiến trúc Tropical Space (Không gian nhiệt đới) có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động thiết kế quy hoạch khu công nghiệp, thiết kế đô thị, kiến trúc, cảnh quan và thiết kế nội thất.

 

Quan điểm thiết kế:

Kiến trúc hình khối đơn giản, chú trọng giải pháp thông gió và chiếu sáng tự nhiên phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Khuyến khích các khách hàng sử dụng các vật liệu thô mộc, thân thiện với môi trường, an toàn, kinh tế và bền vững.

 

Một số công trình tiêu biểu:

  • Termitary House – Nhà Tổ Mối – Hoàn thành 2014
  • Wasp House – Nhà Tò Vò – 2015
  • NDC House – 2016
  • LT House – 2016
  • Terra Cotta Studio – Đất Nung Studio – 2016
  • Chicken’s House – Nhà của gà – 2017
  • Long An House – 2017

 

Giải thưởng:

  • Fritz Hoger Prize| Termitary House |Detached/semi-detached house| Fritz Hoger Award 2017 | Gold Prize
  • Fritz Hoger Prize| Terra Cotta Studio | Office and commercial buildings| Fritz Hoger Award 2017 | Speacial Mention
  • A+ Award 2017 | Terra Cotta Studio | Jury and People Choice Winner| Architect + Workspace
  • A+ Award 2017 | Terra Cotta Studio | People Choice Winner| Architect + Workspace
  • Living Monsoon 2017 | LT House | Winner | Single Family Residential
  • Living Monsoon 2017 | Terra Cotta Studio | Commendation | Institutions and Work Places
  • AR Emerging Architecture 2016| Terra Cotta Studio | Finalist
  • BRICK AWARD 2016 | Termitary House | Winner | Residential Use Category
  • FuturArc Green Leadership Award 2016 | Termitary House | Winner | Single
  • Residential CategoryAZ Award 2016 | Termitary House |Best Residential Architecture
  • ARCASIA Award for Architectecture 2015 | Termitary House | Honorable Mention |Single Family Residential Projects
  • World Architecture Festival 2015 | Termitary House | Finalist | Completed House
  • Architectural Review House 2015 | Termitary House | Finalist

 


 

Văn phòng kiến trúc Tropical Space tại Sài Gòn do kiến trúc sư Nguyễn Hải Long và Trần Thị Ngụ Ngôn lấy cảm hứng thiết kế từ thiên nhiên và thậm chí là côn trùng như thấy ở Nhà Tổ Mối tại Đà Nẵng. Những công trình như vậy sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường thay vì tác động ngược tới nó. Văn phòng đã nhận giải vàng ARCASIA về kiến trúc tại Tokyo với công trình Terra Cotta Studio, nhận được sự chú ý tích cực từ cộng đồng với nhiều giải thưởng khác như Friz Hoger, Architectural Review, BRICK Awards.

Kiến trúc Việt Nam hiện đang đứng trước hai bài toán về tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác động của sự đô thị hóa tới môi trường. Tropical Space Architects đã có những giải pháp thông qua việc sử dụng vật liệu tự nhiên, có nguồn gốc địa phương để điều tiết vi khí hậu. Cách làm này cũng giúp tiết kiệm phí xây dựng và giảm nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu hao năng lượng, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường như điều hòa.

Vietcetera đã có bài phỏng vấn với Nguyễn Hải Long và Trần Thị Ngụ Ngôn để nói thêm về ranh giới giao thoa giữa kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật.

Điều gì đã khiến anh chị trở thành kiến trúc sư?

Trần Thị Ngụ Ngôn: Chúng tôi cùng lớn lên với niềm đam mê kiến trúc, nghệ thuật, âm nhạc và thiết kế. Trưởng thành tại môi trường nhiệt đới khiến chúng tôi muốn truyền cảm hứng về cách mà kiến trúc ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người, hài hòa với cảnh quan. Văn phòng Tropical Space Architects được thành lập sau khi chúng tôi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.

Tropical Space Architects có phong cách kiến trúc như thế nào?

Nguyễn Hải Long: Hai ảnh hưởng thiết kế chính của chúng tôi là điêu khắc và khí hậu. Mọi thứ bắt đầu với sự ứng biến với khí hậu địa phương và làm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Ban đầu có nhiều lựa chọn thiết kế thực tiễn nhưng phong cách của chúng tôi lấy cảm hứng nhiều từ điêu khắc và những hình khối đơn giản. Công trình của chúng tôi phản ánh con người sử dụng không gian, không chỉ nói về kiến trúc sư làm ra nó. Bên cạnh việc xem xét kỹ vị trí, cảnh quanh, chúng tôi cũng muốn hiểu câu chuyện của những gia chủ.

Ở Sài Gòn chúng tôi thấy mọi người làm việc, sinh sống và vui chơi ở những không gian nhỏ như nhau. Khi làm công trình tại những đô thị lớn như thế chúng tôi cố gắng tạo một không gian thật lý tưởng, làm phấn chấn tinh thần người ở.

Cảm hứng trong thiết kế kiến trúc của anh chị đến từ ai?

Nguyễn Hải Long: Một trong những công trình chúng tôi ưa thích là Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao do kiến trúc sư Frank Gehry thiết kế. Bảo tàng đó là tiềm thức của chúng tôi về kiến trúc, là công trình từ lâu mà chúng tôi đặc biệt ấn tượng.

Terra Cotta Studio là nơi làm việc của nghệ nhân Lê Đức Hạ. Cách tiếp cận của anh chị trong dự án xây không gian làm việc khác với nhà ở như thế nào?

Trần Thị Ngụ Ngôn: Khi xây một ngôi nhà cần cân nhắc đến gia đình ở đó. Những không gian riêng và chung của cả nhà đều quan trọng ngang nhau nên cách bài trí nhằm củng cố điều này. Không gian làm việc của nghệ nhân cần truyền cảm hứng sáng tạo đồng thời phục vụ cả mục đích thực tiễn.

Terra Cotta Studio nằm bên một bờ sông có nhiều cây tre, gió mát và đầy ánh sáng. Đây cũng là nơi nghệ nhân Lê Đức Hạ trưng bày những tác phẩm bằng gốm đất nung có giá trị của mình.

Terra Cotta Studio là một công trình hình hộp 7m khối. Quanh bàn xoay gốm là một khung tre dùng để hong khô đất nung. Lớp ngoài cùng của công trình làm bằng gạch đất sét cứng gợi đến lò nung truyền thống. Gạch được xếp đan xen tạo thành các kẽ hở giúp gió lưu thông khắp bên trong vừa đủ để bảo vệ các sản phẩm khỏi thời tiết song vẫn khiến người ở trong cảm nhận được môi trường xung quanh.

Công trình này cũng lấy ảnh hưởng từ văn hóa Chăm Pa cổ. Anh chị đã làm cách nào để thêm vào nét kiến trúc này và tại sao nó có ý nghĩa quan trọng?

Nguyễn Hải Long: Miền Trung Việt Nam là mảnh đất của vương quốc Chăm Pa cổ, chúng tôi muốn xây một công trình để gợi nhắc về quá khứ.

Điều chúng tôi yêu thích ở kiến trúc Chăm Pa là cách nó tận dụng ánh mặt trời, trân quý vật liệu. Với Terra Cotta chúng tôi muốn tạo một không gian bắt sáng từ khi hửng đông đến lúc mặt trời lặn, đồng thời cho thấy bản chất vật liệu dùng trong quá trình xây dựng. Gạch có thể truy ngược về gốc gác Chăm Pa, khoảng cách giữa chúng nhằm tạo sự thoáng mở cho ánh nắng và không khí trong lành.

Nhà Tổ Mối lấy cảm hứng từ thiên nhiên như thế nào?

Nguyễn Hải Long: Côn trùng làm tổ với những vật liệu đơn giản và chúng kiên định với cách làm đó. Tôi tự hỏi tại sao con người luôn thay đổi cách thiết kế và xây dựng trong khi tự nhiên luôn có những giải pháp đáng tin cậy, lâu dài. Chúng ta quá dựa vào công nghệ hiện đại để xây nhà và xử lý vấn đề môi trường. Với Nhà Tổ Mối chúng tôi muốn xây một công trình lấy cảm hứng từ chính tự nhiên, sử dụng vật liệu đơn giản, tận dụng khí hậu sẵn có.

Kết cấu ngôi nhà bao gồm nhiều lớp gạch xếp ngẫu nhiên giống đường hầm trong tổ mối. Các khoảng hở giữa những viên gạch giúp khí lưu thông và tận dụng ánh sáng tự nhiên cho các phòng mà không bị nắng chiếu trực tiếp. Vào buổi tối ngôi nhà giống một chiếc đèn lồng khổng lồ với ánh đèn lọt qua kẽ hở.

Phương án thiết kế của anh chị để ứng phó với khí hậu miền Trung là gì?

Trần Thị Ngụ Ngôn: Giảm sự lệ thuộc vào công nghệ, đặc biệt là điều hòa, thiết kế của chúng tôi khuyến khích tận dụng gió tự nhiên, nắm rõ cách lưu thông khí trong không gian, ảnh hưởng của cách bài trí phòng và tường hở.

Chúng tôi cũng để ý đến hướng nắng mặt trời trong những ngày oi bức, cách bố trí phòng luôn được chi phối bởi tư duy này. Chẳng hạn, cầu thang, nhà kho và phòng tắm được đặt ở một hướng đón nắng và làm thành lớp bảo vệ cho gian sinh hoạt. Các cấu kiện che mát, thông gió giúp giảm tiêu hao điện năng cho các thiết bị khác. Tất cả những công trình của Tropical Space Architects đều hướng đến tiêu chí này.

Tại sao Tropical Space Architects hay dùng gạch đỏ cho công trình?

Nguyễn Hải Long: Chúng tôi muốn cho thấy vẻ đẹp của vật liệu thô mộc. Gạch đỏ được dùng trong hầu hết những công trình ở Việt Nam nhưng phần lớn chúng bị che đi mất. Lớp sơn phủ, bê tông hay vữa cũng là yếu tố thẩm mỹ cần nhắc đến. Qua đó chúng tôi chứng tỏ rằng có thể xây những không gian đẹp với vật liệu chi phí thấp, giản dị mà không cần giấu đi.

Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp mọi người chỉ cần sử dụng vật liệu địa phương và đủ số lượng cần thiết. Chúng tôi tận dụng gạch đỏ bởi tính phổ biến và phù hợp với môi trường, khí hậu. Loại gạch này hút ẩm và tạo vi khí hậu mát mẻ khi tiếp xúc với không khí.

Anh chị nghĩ sao về việc làm mờ ranh giới giữa kiến trúc, nghệ thuật và điêu khắc?

Trần Thị Ngụ Ngôn: Chúng tôi muốn thêm yếu tố nghệ thuật và phạm trù cảm xúc vào không gian để mọi người nhận thấy được tình thái với nó, không chỉ là xây những công trình tập trung vào công năng đơn thuần.

Mong muốn của anh chị cho Tropical Space Architects là gì?

Trần Thị Ngụ Ngôn: Chúng tôi có rất nhiều mong muốn cho thiết kế tại Tropical Space Architects. Mong ước lớn nhất của chúng tôi là truyền cảm hứng sống giản dị cho mọi người, đủ theo nhu cầu không thừa thãi. Chúng tôi làm vậy khi cho mọi người xem bản thiết kế, vật liệu và từ đó họ có thể ứng dụng cho mọi lĩnh vực đời sống.

(Nguồn: Vietcetera)

 

Share Button