CHI’s house / Tad.atelier

Địa điểm: Đà Lạt, Lâm Đồng
Thiết kế: Tad.atelier
KTS chủ trì: Vũ Tiến An
Nhóm thiết kế: Vũ Tiến An, Lê Uyên Minh, Võ Nữ Phương Anh
Trợ lý thiết kế: Đặng Hoàng Gia Phúc, Nguyễn Thành Long, Võ Thị Thảo Uyên
Thiết kế nội thất: Lily Nguyễn, Trần Tuấn Huy, Nguyễn Duy Khánh
Các nhà sản xuất: Lam.weavingspaces, M&A art tiles
Nhà thầu: Nguyen Phu Co.,Ltd
Năm hoàn thành: 2021
Ảnh: Tad.atelier

Thuyết minh bởi KTS:

Sau hai năm hoàn thành công trình đầu tiên, chúng tôi được liên hệ để thiết kế ngôi nhà ở kết hợp kinh doanh nhỏ cho người chủ đầu tư thân quen tại Đà Lạt. Công năng công trình cũng trải qua những thay đổi khách quan do hoàn cảnh chung, từ tiệm bánh, cà phê sách rồi showroom kết hợp nhà ở nghỉ dưỡng cuối tuần cho gia chủ và bạn bè.

Khu đất có ba kè đá hiện trạng bao quanh cùng với mặt nền dốc nhẹ về hướng thung lũng, chúng tôi muốn tận dụng ưu thế địa hình để giảm bớt chi phí san lấp, đồng thời nâng cao không gian sử dụng ở tầng trên nhằm tận dụng góc nhìn đẹp về phía thung lũng. Diện tích vừa vặn cộng với chỉ giới quy hoạch từ các cạnh khu đất nên khi thiết kế, một trong những chiến lược lớn của chúng tôi là tối đa hóa diện tích sử dụng. Những phòng ngủ riêng tư được bố trí ở phía sau công trình trong khi tiện ích công cộng được đưa ra phía trước.

Công trình là một suy tư về sự cùng tồn tại của những điều đối lập: Thiên nhiên – Nhân tạo; Nặng – Nhẹ; Sáng – Tối; Đặc – Rỗng. Chúng tôi hướng đến đạt được các cặp chiến lược này thông qua việc sắp xếp trật tự không gian, cách sử dụng vật liệu, ánh sáng và màu sắc. Không gian tầng trệt được quan niệm như một mặt bằng mở, vốn là phần mở rộng của cảnh quan sân vườn quanh công trình. Yếu tố đường biên cũng được cân nhắc để tạo cảm giác lấp lửng, nhập nhằng Trong – Ngoài. Trái với cách sử dụng vật liệu đặc và nặng ở mặt tiền, lõi thang sắt giữa nhà được thiết kế như một yếu tố nhẹ nhàng, mỏng manh, trôi nổi.

Bên cạnh việc là điểm nhấn quan trọng, cách sử dụng cấu trúc rỗng cho hệ thang cũng giúp khu giếng trời nhỏ có cảm giác thông thoáng hơn và lấy được ánh sáng dịu nhẹ xuống những không gian bên dưới. Ngoài ra, với việc tích hợp không gian kinh doanh nhỏ của gia chủ, một thang sắt ngoài trời đã được đề xuất để khách có thể lên thẳng vị trí lầu một ngay từ sảnh đệm. Phần thang này còn tiếp nối lên sân thượng, nơi có được gần như trọn vẹn góc nhìn đẹp về phía rừng nguyên sinh.

Chúng tôi gọi công trình là “Cuộc chơi của những điều đối lập”; những yếu tố khác nhau được đặt cạnh nhau trong một tổng thể đủ “nhường nhịn” và hòa hợp nhằm mang lại sự phong phú và thú vị cho hành trình trải nghiệm.

Share Button