Địa điểm: Hà Nội
Thiết kế: BALEINE Architectes
Kiến trúc sư chủ trì: Đường Văn Mạnh
Nhóm thiết kế: Phạm Quý Linh, Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Mạnh, Ninh Văn Quang, Nam Dương, Hữu Dương
Thi công – giám sát: Trần Thanh Thuý, Nguyễn Văn Thể
Thi công nội thất: Rustic Home
Diện tích: 600 m2
Năm hoàn thành: 2022
Nhiếp ảnh: Kame
CHP House – under the eaves – một nếp nhà truyền thống hiện ra giữa hơi thở hiện đại. công trình của chủ nhà dành tặng cho người mẹ, cũng là nơi tìm lại những kí ức tuổi thơ…
Chúng tôi tìm lại quá khứ cóp nhặt từng câu chuyện bình dị về cuộc sống xoay quanh nhưng ngôi nhà cổ & dùng những chất liệu xây dựng sẵn có để tái hiện nên một không gian cổ kính giữa đời thường. Tách xa khu dân cư đông đúc, nằm trên một dải đất địa hình dốc dần ra phía hồ, căn nhà cũng được bố trí xuôi theo cao độ địa hình. Công trình lấy cảm hứng từ những ngôi nhà ba gian & nhà sàn truyền thống vùng bắc bộ đồng thời tạo ra không gian sinh hoạt rộng rãi, bằng phẳng bằng việc nâng cốt chống cột toàn bộ công trình mà không cần phải san lấp.
Những hàng hiên rộng, ban công lớn là điểm nhấn chính cho công trình, vừa tạo ra không gian đệm tiếp xúc với thiên nhiên xung quanh, vừa gợi lại bao kỉ niệm xưa cũ… Hình ảnh hàng hiên cũng gắn liền với nhiều khung cảnh ta có thể thấy ở đâu đó trong trí nhớ, hoặc ít nhất qua phim ảnh những hình ảnh người phụ nữ đan áo, vót tre, các bô lão xúm lại chơi cờ, hay những bữa cơm chiều ấm cúng giản dị,… Công trình tạo ra nhiều khoảng xanh xen kẽ trong công trình & nối tiếp nhau bằng hành lang, kích thích sự vận động thư giãn theo các tuyến ngang – dọc mà một ngôi nhà phố hay nhà vườn thông thường không có được.
Cùng với chủ đầu tư, thiết kế công năng của căn nhà được tối ưu phù hợp cho nhu cầu sinh hoạt gia đình. Ở giữa công trình là sân lớn, bên cạnh sân là bếp & nhà ăn. Đúng theo lối kiến trúc Việt Nam xưa (trước ngôi nhà ba gian luôn có 1 khoảng sân lớn, bên cạnh là một ngôi nhà phụ(thường gọi là nhà ngang). Khối nhà chính gồm 3 không gian lớn được nối nhau bởi một hệ mái lớn ở giữa là nhà thờ mẫu, hai bên là hai khối nhà với đầy đủ công năng phòng khách, ăn uống & ngủ (coi như một ngôi nhà ba gian – gian giữa để thờ & 2 gian bên cạnh để ở).
Không chỉ có khoảng sân lớn, Mỗi không gian nhỏ hay một phòng đều có một khoảng sân riêng, một khoảng vườn riêng. Sân chính ở giữa là không gian kết nối các không gian còn lại được sử dụng đa năng cho các ngày cúng, lễ, hay các hoạt động thường ngày như phơi thuốc hay thóc lúa,… Các tuyến hành lang kết nối giữa các không gian trong công trình được thiết kế có chủ đích để mang lại sự dẫn dắt thú vị. Không gian thư giãn có thể ở hàng hiên, ban công, trên mái, chòi canh hay bể bơi, trong nhà hay ngoài vườn,… bất cứ đâu cũng đều coi là không gian thư giãn, nhưng luôn nhẹ nhàng & giữ tinh thần mộc mạc như chính bối cảnh mà công trình nằm gọn trong đó.
Các cây xanh lớn đều được giữ lại và lồng ghép vào các khoảng hiên, ban công, đôi khi ngay cạnh ban công lớn, gia chủ thường ngồi đọc sách hay ngâm thơ mà ngay bên cạnh là những cành xoài, cành mít nặng trĩu quả… Một số cây lớn được bổ sung(chủ yếu là các loại cây ăn quả & hoa bản địa), các view nhìn ra phía hồ & các không gian xanh được thiết kế tận dụng tối đa. Các vật liệu xưa như gạch cổ Bát Tràng( gạch ngói, tường xây, & lát sàn tráng men), gỗ lim, gạch đá ong kết hợp cùng các vật liệu hiện đại (tấm lợp siêu nhẹ, kết cấu thép, tường 2 lớp chân không, gạch không nung, kính cách nhiệt,…) giúp công trình khoác lên vẻ cổ kính nhưng không nặng nề, tạo nên sự thông thoáng & kết nối với thiên nhiên nhiều hơn.
Mọi không gian hay chi tiết trong công trình đều hướng tới sự bình dị, nhưng luôn tạo sự bất ngờ & hào hứng một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Đúng như những điều chúng tôi mong muốn trong công trình này – nhà là nơi chứa đựng những hạnh phúc bình dị nhất, mong ngóng khi trở về, và hạnh phúc khi rời đi.