- Địa điểm: Hoàng Sa, Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng
- Thiết kế: HMLarchitecture
- Kiến trúc sư chủ trì: Hồ Mộng Long
- Diện tích khu đất: 500m2
- Diện tích xây dựng: 400m2
- Quy mô: 20 tầng nổi và 01 tầng bán hầm
- Hoàn thành: 2020
- Ảnh: HMLarchitecture
Đà Nẵng là một thành phố năng động với nhiều lợi thế về biển và các danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch. Nhưng TP Đã Nẵng còn được biết đến vì nằm trong vùng đất xứ Quảng, nơi các cư dân cổ thuộc Văn hóa Sa Huỳnh đã định cư từ hàng nghìn năm trước. Những hiện vật vẫn tồn tại minh chứng cho một thời kỳ cách đây khoảng 2.000 năm là những đền tháp Chăm Pa và cuộc sống của những người dân bản địa vẫn đang duy trì và tiếp nối.
Ý tưởng thiết kế:
Lấy cảm hứng từ những giá trị văn hóa của người Chăm, đó là những Tháp Chăm rải rác trên rải đất duyên hải miền trung Việt Nam hàng nghìn năm nay, chúng tôi tạo ra một cấu trúc phản ánh bối cảnh đô thị Đà Nẵng, ở đó có sự giao thoa giữa đời sống hiện đại năng động của người dân với không gian của các đền đài Chăm Pa gần gũi, thân thiện, hòa nhập thiên nhiên. Nơi đây hài hòa giữa cả sự chỉnh chu nghiêm túc và nét lãng mạn, hiền hòa, tạo nên một tổ hợp không gian đa dạng bên trong cùng một kết cấu, thể hiện tinh thần văn hóa, sự tiếp nối của bề dày lịch sử Chăm vừa tinh tế, nhưng cũng rất khoáng đạt.
Khu đất nghiên cứu với diện tích 500m2, nằm trong tổng thể quy hoạch khu khách sạn ven biển Mân Thái, tại đường Hoàng Sa, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Dự án 20 tầng, 1 hầm hướng Đông Nam. Hai mặt hướng Đông Bắc, Tây Nam là các khu đất xây khách sạn tương tự với khoảng lùi 3m mỗi bên. Mặt thoáng hướng Tây Bắc là khu doanh trại quân đội.
Với suy nghĩ để khách sạn có thể tiếp cận gần gũi với thiên nhiên và đời sống của người dân và du khách, chúng tôi tổ chức tích hợp các không gian công cộng của khách sạn trong cùng một cấu trúc. Không gian sảnh đón tiếp được mở, kết hợp với không gian dịch vụ giải khát và không gian triển lãm giới thiệu Văn hóa Chăm Pa. Các hoạt động của không gian này bao gồm các triển lãm giới thiệu sản phẩm Gốm thủ công Bàu Trúc của người Chăm, các hoạt động biểu diễn văn hóa Chăm theo định kỳ. Du khách có thể tìm hiểu thêm về Văn hóa của Người Chăm nơi đâ thông qua trải nghiệm các hoạt động của Khách sạn. Kiến trúc trở thành một sợi dây kết nối con người với văn hóa bản địa.
Ngoài ra, để khơi gợi trí tưởng tượng và mong muốn khám phá thiên nhiên của du khách, toàn bộ hệ facade bằng tấm equitone(vật liệu sinh thái) của khối phòng ngủ phía trên được đóng và mở thông qua các lỗ đục to nhỏ khác nhau có tác dụng cắt cảnh các không gian Biển phía trước. Chúng cũng tạo nên một hiệu ứng các bóng đổ trong từng phòng khách sạn với hiệu quả rất khác nhau, đem lại sự trải nghiệm đa dạng cho du khách.
Màu sắc chủ đạo của khách sạn được lấy cảm hứng từ màu đỏ gạch của các tòa tháp Chăm Pa. Vật liệu sử dụng trong công trình là bê tông, thép corten và tấm equitone khiến diện mạo công trình được biến đổi theo thời gian vậy.
Chiến lược thiết kế của khách sạn The Code
Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đảm bảo kiến trúc bền vững khi cân bằng 4 khía cạnh:
- Giảm tối đa những tác động lên môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Các giải pháp thiết kế thụ động là điều kiện tiên quyết khi thiết kế công trình. Mạng lưới thiên nhiên và nhân tạo tồn tại đan xen.
- Hiệu quả về kinh tế.
- Đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống nhưng thích nghi với cuộc sống hiện đại.
- Tích hợp các chức năng hoạt động một cách hài hòa để hỗ trợ phát triển lẫn nhau.