Vị trí: TPHCM
Thiết kế: Cộng Sinh Architects
Kiến trúc sư chủ trì: Võ Quang Thi
Xây dựng và trang trí nội thất: Cộng Sinh Homes
Diện tích khu đất: 250 m2
Diện tích sàn xây dựng: 325 m2
Hình ảnh: Hiroyuki Oki
Ý tưởng thiết kế của ngôi nhà lấy cảm hứng từ “kiến trúc nhà 3 gian truyền thống” với những không gian đã quen thuộc cùng nếp sống người Việt.
Giống bên trong “căn nhà trước” ba gian truyền thống, không gian sinh hoạt chung được thiết kế ở tầng trệt ngay lối vào, cạnh vườn cây ăn quả phía trước và một giếng trời phía sau. Giếng trời này nằm giữa “căn nhà trước” và “căn nhà sau” bên dưới một giàn rau xanh. Trang trọng ngay chính giữa không gian sinh hoạt chung là 1 khu thờ và một hồ cá hình tròn phù hợp phong thủy. Với mặt bằng hình chữ nhật, bằng phẳng, không ngăn chia, không gian sinh hoạt chung có thể bố trí vật dụng nội thất một cách linh hoạt nhằm đáp ứng những nhu cầu sử dụng có thể thay đổi theo thời gian của gia đình. Đây là một không gian thân thiện, thu hút mọi người đến giao tiếp cùng nhau với đầy đủ ánh nắng, gió trời, cây xanh và mặt nước.
Những không gian riêng tư của gia đình được thiết kế bên trong 2 cấu trúc bê tông vững chắc ở tầng lầu. Những không gian này được ngăn chia bằng vật liệu nhẹ, có thể tái chế, dễ dàng di dời và biến đổi tùy theo nhu cầu sử dụng hay những lúc gia đình có sự thay đổi số thành viên. Hai cấu trúc bê tông này được thiết kế thoáng rỗng với hàng trăm khoản mở hai bên theo hình “mang cá” giúp người trong nhà dễ dàng giao tiếp nói chuyện với nhau nhưng vẫn đảm bảo được sự riêng tư cần thiết.
Việc không gian chung có thể bố trí vật dụng nội thất linh hoạt và không gian riêng sử dụng vách ngăn nhẹ đã giúp ngôi nhà dễ dàng biến đổi phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình qua các thế hệ. Nhờ đó, cấu trúc bê tông là thành phần bao che và chịu lực chính của ngôi nhà không cần cải tạo và có thể trường tồn theo thời gian.
“Căn nhà trước” và “căn nhà sau” mở thoáng 2 hướng, nối với nhau bởi 1 sân trong đã giúp ánh nắng và gió trời có thể đến được mọi không gian.
Ngôi nhà có lớp tường và mái dày cách nhiệt. Hai cấu trúc bê tông trên lầu có hàng trăm khoản hở liên tục giống “mang cá” giúp điều tiết ánh nắng vào nhà và tránh mưa hắt. Điều này phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam.
Sau một năm xây dựng, vườn cây ăn quả trước nhà, vườn rau sau nhà và giàn rau xanh trên mái đã biến thành một lớp da cây xanh bao phủ công trình. Lớp da này đã góp phần tạo nên một bầu không khí trong lành, mát mẻ và yên tĩnh cho các không gian sử dụng.
Điều này giúp các không gian sinh hoạt có thể mở cửa đón nắng, gió quanh năm. Những không gian sinh hoạt riêng tư được bảo vệ bên trong cấu trúc bê tông hình “mang cá” và lớp da cây xanh có thể mở cửa nguyên ngày đón những cơn gió trong lành, mát mẻ và người trong nhà được hưởng những giấc ngủ no tròn tái tạo sức khỏe. Không gian sống này có thể giúp con người vượt qua đại dịch.
Công trình thật sự tiết kiệm năng lượng. Cùng với việc sử dụng 11 tấm pin năng lượng mặt trời, gia đình hiếm khi phải tốn tiền điện.
Một số loài chim thường đến ăn quả mọng ở vườn rau trên mái nhà góp phần giúp cuộc sống của gia đình thêm phần thú vị, hạnh phúc.
Với ý tưởng trồng một giàn rau xanh trên mái nhà, một ý tưởng đơn giản, dễ dàng biến đổi để nhân rộng. Kiến trúc sư mong muốn truyền cảm hứng trồng rau tại nhà cho mọi người. Điều này không những góp phần tạo ra bầu không khí trong lành, mát mẻ mà còn giúp giảm quá trình biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực.