Nhà Chống Lũ / Sống Foundation

24313023_1672959829427577_9011521999146482967_o

Nằm trong ổ bão của khu vực, Việt Nam thường xuyên gánh chịu thiên tai và các điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Năm nào chúng ta cũng chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của thiên tai và cùng day dứt trước những thiệt hại về người và của: Người dân đã trắng tay rồi, làm gì để ăn, để sống? Bão lũ năm sau bà con sẽ tiếp tục chống chọi ra sao?

Vậy chúng ta nên làm gì để công tác hỗ trợ cho người dân ở các khu vực thiên tai thực sự thiết thực, hiệu quả và bền vững? Cần những gì để người dân có thể sống với lũ và đi qua lũ một cách bình yên?

NHÀ CHỐNG LŨ là một dự án phát triển cộng đồng với mục đích xây nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân nghèo ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai & biến đổi khí hậu.

TẦM NHÌN

Đến năm 2020, xây dựng các mô hình nhà an toàn & phát triển sinh kế bền vững cho tất cảcác vùng chịu thiên tai, lũ lụt trên toàn Việt Nam để các gia đình nghèo chủ động đối phó với các thảm hoạ thiên nhiên và vươn lên trong cuộc sống.

SỨ MỆNH

Hỗ trợ các gia đình nghèo ở những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt xây nhà an toàn.

Phát triển các sinh kế bền vững đảm bảo 3 yếu tố: Có lợi nhuận (Profitability), Có thể nuôi/trồng lâu dài (Sustainability) và Thân thiện với môi trường (Environment-friendly).

GIÁ TRỊ CỐT LÕI

  • Cuộc sống an toàn
  • Sinh kế bền vững
  • Vai trò chủ động và nỗ lực tự thân của người dân
  • Có sự chung tay của cả cộng đồng
  • Sử dụng sản phẩm sáng tạo để thúc đẩy các giá trị nhân văn

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN NGƯỜI HƯỞNG LỢI

  • Hộ nghèo hoặc cận nghèo. Chịu thiệt hại nặng nề sau thiên tai.
  • Có từ ba nhân khẩu trở lên. Ưu tiên nhà có nhiều trẻ em.
  • Đóng góp vốn đối ứng, ít nhất 50% căn nhà.
  • Đồng ý với mô hình & thiết kế nhà mà dự án phát triển.

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

  1. Dự án Nhà Chống Lũ: Thiết kế, giám sát xây dựng và nhiều nhất là 50% chi phí xây nhà.
  2. Hộ gia đình hưởng lợi: Phải đóng góp ít nhất 50% chi phí xây nhà gồm cả nguyên vật liệu & công xây dựng.
  3. Chính quyền địa phương: Hỗ trợ theo dõi, thúc đẩy tiến độ và động viên người hưởng lợi.
  4. Giới chuyên môn & NPOs: Tư vấn chuyên môn cho dự án, chuyển giao công nghệ và đào tạo cho người dân.
  5. Doanh nghiệp tài trợ: Ưu đãi giá bán VLXD theo giá dành cho đại lý cấp 1, tặng quà và các thiết bị cần thiết hỗ trợ các hộ hưởng lợi.

HÀNH TRÌNH CHỐNG LŨ

Bắt đầu từ Hà Tĩnh và thung lũng núi đá Tân Hoá, Quảng Bình – nơi vốn nổi tiếng với mức lũ “vượt quá trụ điện”, hay còn được gọi là “Vịnh Hạ Long trên cạn”, Nhà Chống Lũ đã xây dựng và thử nghiệm thành công 11 mô hình nhà an toàn ứng phó với lũ lụt tại các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hoà, Sóc Trăng, Bến Tre, và Hậu Giang.

Sau 6 năm, từ năm 2013 – 2019, dự án Nhà Chống Lũ đã xây dựng hơn 700 căn nhà an toàn, 124 bể chứa nước sạch, 50 nhà vệ sinh mới tại 11 vùng dự án trên cả nước, giúp hơn 3.525 người dân sống an toàn sau thiên tai.

 

Nhà Chống Lũ: Mô hình nhà phao 

Một giải pháp ứng phó với thiên tai hiệu quả tại vùng lũ cao và ngập lâu 

Mô hình nhà phao – mô hình đã phát huy hiệu quả ứng dụng tuyệt vời của nó trong đợt lũ vừa qua tại Quảng Bình – chính là giải pháp nhà ứng phó với bối cảnh lũ lụt cao kèm theo gió mạnh, được chương trình Nhà Chống Lũ phát triển từ năm 2014. Đến hết tháng 8 năm 2017, dự án đã hoàn thành 90 căn nhà phao, từ đó bà con đã tự học tập và nhân rộng mô hình với sự hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức, cá nhân khác, nâng tổng số nhà phao tại Tân Hóa lên đến 400 căn trên tổng số 678 hộ ở thời điểm hiện tại.

Xã Tân Hoá, Quảng Bình được ví như một túi đựng nước khổng lồ do có địa hình trũng thấp. Mọi nguồn nước từ Thượng Hoá, Trung Hoá, Xuân Hoá và cả thị trấn Quy Đạt đổ về đều tập trung tại đây. Mặc dù lượng nước chảy về nhiều nhưng lối thoát duy nhất là hang Tú Làn. Vậy nên, mỗi khi trời mưa lớn kéo dài, nước lũ nhanh chóng dâng cao và hung hãn chảy qua Tân Hóa, gây ra thiệt hại nặng nề về con người và tài sản. Từ đầu năm 2014, dự án Nhà Chống Lũ đã quyết tâm tìm ra giải pháp nhà ứng phó với lũ lụt tại đây. Qua 3 lần cải tiến, đến hết tháng 8 năm 2017, dự án đã hoàn thành 90 căn nhà phao, từ đó bà con đã tự học tập và nhân rộng mô hình nâng tổng số nhà phao tại Tân Hóa lên đến 400 căn trên tổng số 678 hộ ở thời điểm hiện tại.

Lịch sử nhà phao: Từ nhà bè đơn giản đến nhà phao an toàn

Năm 2014, dự án Nhà Chống Lũ đã đến Tân Hóa để khảo sát và tìm ra phương án hỗ trợ xây nhà. Kinh nghiệm làm nhà sàn, gác tránh lũ được dự án triển khai tại Hà Tĩnh trước đó không thể ứng dụng được ở đây vì mức lũ ở Tân Hóa quá cao. May mắn gặp được gia đình anh Lực ở thôn 3 Yên Thọ – người có căn “nhà phao” đầu tiên ở Tân Hóa, giải pháp nhà phao bắt đầu hình thành. Chuyện là nhiều năm về trước anh Lực đi làm thuê ở miền Tây, thấy ở đây làm rất nhiều nhà bè nuôi cá, vừa nổi được trên mặt nước vừa có thể sinh hoạt sinh sống trên đó. Nghĩ nhà bè này có thể áp dụng được ở quê mình mùa lụt nên anh về Tân Hóa làm một căn nhà bè, thường ngày làm quán tạp hóa cho vợ, mùa lụt thì làm chỗ tránh trú. Sau mấy cơn lũ, nhận thấy hiệu quả của mô hình này nên bà con cũng đã bắt đầu làm theo tùy khả năng và nhu cầu của mỗi gia đình. Tuy nhiên, các tiêu chí an toàn vẫn nằm ở mức mơ hồ trong ước đoán của người dân.

Mô hình nhà phao sơ khai của bà con Tân Hóa

Mô hình nhà phao sơ khai của bà con Tân Hóa

Sau thời gian khảo sát, dự án Nhà Chống Lũ đã quyết định chọn mô hình nhà phao làm giải pháp chiến lược cho việc ứng phó với lũ lụt tại Tân Hóa. Các tiêu chí cơ bản của mô hình nhà phao Nhà Chống Lũ là: (1) Ứng phó được ở mức lũ 15m (2) Đảm bảo an toàn trong điều kiện có mưa, gió (3) Đảm bảo tải trọng được 1 tấn với nhà khung gỗ và 1 tấn 8 với nhà khung thép (4) Có khả năng nhân rộng: chi phí hợp lý, nguyên vật liệu có sẵn, kỹ thuật đơn giản, người dân có thể tự thực hiện.

Thách thức lớn nhất trong việc xây dựng nhà phao vào thời điểm đó, không phải ở trọng tải nhà, mà ở việc neo đậu nhà về vị trí cũ sau cơn lũ. Kỹ thuật cũ sử dụng 2 cây cọc để định hướng nhà, nhà phao có thể trượt lên xuống dọc cọc theo độ cao của nước. Phương án này không thể đối phó khi mực nước lên cao đến quá nóc nhà đỉnh điểm lên đến 14m. Vấn đề kỹ thuật này được Nhà Chống Lũ giải quyết bằng sáng kiến hệ thống neo 5 điểm, gồm 4 điểm tại bốn góc móng nhà, cùng một điểm ở trọng tâm. Khi nước lên, bà con có thể tự nới dây để nhà nổi lên theo mực nước; và khi nước rút, cơ chế này cũng giúp nhà hạ xuống về đúng vị trí cũ.

Kỹ thuật neo 5 điểm của Nhà Chống Lũ

Kỹ thuật neo 5 điểm của Nhà Chống Lũ

Cùng với đó, dự án bổ sung các kỹ thuật chằng mái để ứng phó với gió mạnh, thay đổi chất liệu thùng phuy từ loại bằng sắt sang thùng nhựa để tăng khả năng nổi. Về mặt thực hiện, dự án hướng dẫn kỹ thuật và một phần tài chính, người dân tự dựng khung nhà, vách, sàn. Nhờ các nỗ lực này, trong năm 2014, 19 chiếc nhà phao phiên bản Nhà Chống Lũ được xây dựng.

Năm 2015, Nhà Chống Lũ tiếp tục hỗ trợ thêm 42 căn nhà phao. Ngoài những kỹ thuật đã áp dụng ở đợt 1, đợt 2 bổ sung thêm các yếu tố kỹ thuật nhằm ứng phó khi có sóng và gió mạnh: đổi kết cấu sàn từ hình chữ nhật sang hình vuông nhằm giúp cân bằng lực, tạo thêm hành lang 30cm xung quanh nhà để giảm chấn khi có sóng, và bổ sung phương án cho chuồng gia cầm.

Năm 2017, Nhà Chống Lũ quay lại Tân Hóa với công cuộc cải tiến lần thứ 3 nhằm biến nhà phao thành mô hình dễ làm, dễ lan rộng. Đầu tiên, toàn bộ khung gỗ của nhà phao chuyển thành khung thép để dễ dàng thi công lắp ghép, tăng độ bền, tăng độ an toàn và giảm tải trọng của khung nhà. Tối ưu tiếp theo nằm ở hệ thống cửa: hệ cửa được thiết kế thành cửa lùa chống gió giật và có kính trong suốt để dễ dàng quan sát bên ngoài. Cuối cùng, hệ neo 5 điểm được hoàn thiện bằng bộ cuốn dây neo tự hãm, giúp dễ dàng thay đổi độ cao của nhà phao theo mực nước. Mô hình nhà phao sau lần cải tiến này dễ làm đến mức những tình nguyện viên không chuyên cũng có thể lắp ráp thành thạo ngay sau khi được hướng dẫn.

Các giai đoạn cải tiến nhà phao của Nhà Chống Lũ

Các giai đoạn cải tiến nhà phao của Nhà Chống Lũ

Mô hình nhà phao hoàn thiện của Nhà Chống Lũ, ảnh năm 2017

Mô hình nhà phao hoàn thiện của Nhà Chống Lũ, ảnh năm 2017

Mô hình nhà phao tại Tân Hóa – Thành quả ngọt ngào 

Từ một vài căn nhà phao đơn sơ chỉ dùng cho gia súc, đến 90 căn nhà phao an toàn mà Nhà Chống Lũ hỗ trợ trong suốt 2014 – 2017, đến nay chúng ta đã thấy được 400 căn nhà phao nổi lên trong mùa lũ ở thung lũng Tân Hóa. Lũ lại lên cao trong tháng 9/2019, tất cả nhà phao đều phát huy tác dụng tối đa giúp bà con được an toàn. Đây là một kết quả ngọt ngào cho những nỗ lực tối ưu cải tiến của Nhà Chống Lũ.

Nhà phao nổi lên trong đợt lũ ngày 5/9/2019 tại Tân Hóa, Quảng Bình

Nhà phao nổi lên trong đợt lũ ngày 5/9/2019 tại Tân Hóa, Quảng Bình

Bài học thành công: Phương pháp Chung tay

Nhà Chống Lũ tin rằng chung tay là nhân tố quyết định sự thành công của dự án. Phương pháp chung tay đảm bảo sự tham gia của nhiều bên, giúp người thụ hưởng chủ động trong quá trình thay đổi cuộc sống của mình, thay vì thụ động nhận hỗ trợ và trở nên phụ thuộc với các trợ giúp từ bên ngoài.

Để thúc đẩy được sự chủ động của người dân, dự án Nhà Chống Lũ đã thực hiện bằng nhiều cách trong suốt quá trình triển khai, cụ thể như:

  • Khảo sát, thu thập ý kiến từ người dân về hiện trạng, nhu cầu và các giải pháp đề xuất.
  • Tổ chức các buổi họp dân để công khai tiêu chí chọn hộ hỗ trợ, cộng đồng sẽ dựa vào tiêu chí của dự án để bầu chọn hộ phù hợp.
  • Cộng đồng được dự án tập huấn về các kỹ thuật làm nhà phao để có thể cùng triển khai.
  • Người nhận hỗ trợ phải đối ứng, tức tự lo xây dựng một phần để căn nhà của mình. Mức đối ứng tùy theo mỗi đợt triển khai.
  • Người dân và thợ địa phương tự triển khai xây nhà dưới sự hướng dẫn và giám sát của kiến trúc sư Nhà Chống Lũ.

Khi người dân đóng vai trò là người chủ động trong việc xây nhà của mình, Nhà Chống Lũ đóng vai trò là bên thúc đẩy hỗ trợ, chúng tôi đã đạt được những kết quả rất ý nghĩa. Nhiều người dân trước đây rất e ngại, tự ti nay đã trở nên tự tin hơn, siêng năng hơn, họ cảm thấy trân trọng và yêu quý ngôi nhà của mình bởi nó được làm nên bởi chính công sức và tiền bạc của mình.

Không chỉ thúc đẩy sự tham gia của người hưởng lợi, Nhà Chống Lũ còn kêu gọi sự chung tay đóng góp từ các bên như:

  • Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ giám sát, đốc thúc trong quá trình triển khai dự án.
  • Chuyên gia, kiến trúc sư giúp thiết kế căn nhà ngày một tối ưu và an toàn.
  • Các tình nguyện viên, các họa sĩ, nghệ sĩ, các cá nhân và doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình gây quỹ, tài trợ cho dự án.
Phương pháp “CHUNG TAY” của Nhà Chống Lũ

Phương pháp “CHUNG TAY” của Nhà Chống Lũ

Không chỉ nhà phao Tân Hóa, sau 6 năm năm hoạt động tại nhiều địa phương, Nhà Chống Lũ đã thiết kế 11 mô hình nhà an toàn thích ứng với nhiều bối cảnh thiên tai tại 11 vùng dự án. Mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình xây dựng gần 700 căn nhà này, dự án đang tiến hành biên tập Cẩm nang Nhà An Toàn. Cẩm nang bao gồm các mô hình nhà có khả năng thích ứng với các loại hình thiên tai của từng khu vực ở Việt Nam, sẽ được xuất bản vào cuối năm 2019.

Share Button