Cuộc thi thiết kế kiến trúc ARCASIA dành cho sinh viên (ARCASIA Students Design Competition) là cơ hội để sinh viên từ các nền văn hóa khác nhau trao đổi và chia sẻ ý tưởng về vấn đề thiết kế cụ thể được ARCASIA nêu ra hàng năm.
Chủ đề cuộc thi năm 2021 là “Public Spaces in 15-minutes Life Circle” (Tạm dịch: Không gian công cộng trong cuộc sống 15 phút). Đồ án dự thi của hai sinh viên Lê Anh Tài và Võ Đông Như, trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh đã xuất sắc được xướng tên ở giải thưởng cao nhất với phương án thiết kế “On the floating leaves” (Trên những chiếc lá trôi).
Phương án thiết kế “On the floating leaves”:
Bến Bình Đông được xây dựng vào thế kỷ 19 sau khi nhiều người Hoa đến sinh sống, đây từng là nơi buôn bán sầm uất nhất Sài Gòn, là vựa lúa lớn nhất Nam Bộ. Có nhiều trang sử đã mô tả cảnh hàng trăm con thuyền chở gạo, hàng hóa từ miền Tây vào Sài Gòn buôn bán. Dân cư hai bên bờ dễ dàng kết nối với nhau thông qua con kênh này.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và giao thông đường bộ, người dân không còn ra ngoài nhiều để đi bộ và giao tiếp với nhau. Kênh Tàu Hủ cũng vì thế mà dần bị lãng quên. Do đó, việc thiết kế một không gian gắn kết cộng đồng là điều vô cùng cần thiết.
Nhóm thiết kế lấy cảm hứng từ cuốn sách “Dế Mèn phiêu lưu ký” – Tô Hoài. Trong truyện, nhân vật Dế Mèn đi khắp nơi cùng người bạn trên chiếc thuyền làm bằng bèo. Họ trôi nổi trên mặt nước, đi qua nhiều vùng đất, gặp gỡ và dễ dàng bắt chuyện với bất kỳ ai ở hai bên bờ. Tính chất “trôi nổi” này cũng được hình thành từ văn hóa chợ nổi miền Tây khi họ đưa nông sản vào Sài Gòn buôn bán, dần dần đây là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của Sài Gòn.
Mục tiêu thiết kế là kết nối người dân sống hai bên bờ, công trình sẽ thu hút họ bằng những không gian thú vị và linh hoạt, nhiều lối vào cho phép mọi người có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Thứ hai, bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng như chợ nổi vì đây là nét đẹp rất gần gũi với mọi người đã hàng trăm năm. Thứ ba, công trình hoạt động như một hệ sinh thái bền vững giúp sinh vật ở Kênh Tàu Hủ phát triển lành mạnh và nó như một bộ lọc không khí cho thành phố.
Quan niệm hình dạng công trình giống như những chiếc bèo nổi trên mặt nước. Qua đó, sự hiện hữu của công trình như một phần của con kênh, càng làm tăng thêm vẻ đẹp của nó. Ngoài ra, công trình được phân định rõ ràng không gian tĩnh và động để phù hợp với từng đối tượng sử dụng. Các tấm sàn được chia nhỏ bố trí so le nhằm giúp tăng sự trải nghiệm cũng như mở rộng các views để mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy nhau hơn.
Hiện nay, sự hiện diện của công nghệ là điều tất yếu giúp cuộc sống trở nên tiện lợi hơn nhưng nó cũng làm lu mờ những nét văn hóa đẹp đẽ vốn có. Nhóm thiết kế tin rằng công nghệ và các giá trị văn hóa thực sẽ tồn tại song song và bổ sung cho nhau để cùng phát triển trong tương lai.