Phạm Thùy Linh

[Đề cử năm 2014] KTS Phạm Thùy Linh mới đây đã giành giải nhất Giải thưởng Loa Thành 2014 (dành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên chuyên ngành đào tạo về xây dựng và kiến trúc) với đồ án “Cải tạo nhà máy thành trường năng khiếu nghệ thuật“.

Pham Thuy Linh

Đồ án "Cải tạo nhà máy thành trường năng khiếu nghệ thuật"

Đồ án “Cải tạo nhà máy thành trường năng khiếu nghệ thuật”

Bài viết về KTS Phạm Thùy Linh trên báo điện tử VnExpress (2/12/2014):

Thuộc tốp 3 sinh viên có thành tích học tập tốt nhất lớp Kiến trúc chất lượng cao của ĐH Xây dựng Hà Nội, Phạm Thùy Linh mới đây còn rinh giải nhất Giải thưởng Loa Thành, giải Sáng tạo của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và học bổng du học thạc sĩ của ĐH Công nghệ hàng đầu của Italy.

Phạm Thùy Linh (bên trái), giải Nhất giải thưởng Loa Thành 2014

Phạm Thùy Linh (bên trái), giải Nhất giải thưởng Loa Thành 2014

Đeo chiếc huy chương dành cho giải nhất Giải thưởng Loa Thành, cầm tấm bằng sáng tạo của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng, Thùy Linh cười bảo: “Em rất bất ngờ và xúc động”. Nữ sinh lớp Kiến trúc chất lượng cao Anh ngữ (K54), ĐH Xây dựng Hà Nội chia sẻ, đồ án “Cải tạo nhà máy cũ thành trường năng khiếu nghệ thuật” là đồ án tốt nghiệp, ai ngờ được nhà trường gửi tham gia Loa Thành rồi đoạt giải cao.

Chia sẻ về ý tưởng làm đề tài, Linh cho biết rất trăn trở trước việc nhiều nhà máy cũ chuyển ra ngoại thành, cơ sở hạ tầng bị phá đi để xây dựng trung tâm thương mại, chung cư. “Trong khi đó những nhà máy này đã gắn bó nửa thế kỷ với người dân thủ đô, trở thành di sản ký ức của xã hội. Em muốn lưu giữ lại không gian ký ức này cho cha ông và thế hệ sau. Vì thế, em đã lấy đề tài chuyển đổi công năng cơ sở hạ tầng nhà máy cũ thành trường học nghệ thuật để phục vụ lợi ích mới cho cộng đồng hiện đại, làm đồ án tốt nghiệp”, Linh nói.

Thực hiện đồ án này, nữ sinh ĐH Xây dựng phải đi nhiều nơi để tìm nhà máy, chụp ảnh hiện trạng và nghiên cứu bản đạc (market) công trình. Mỗi loại hình nghệ thuật cần một không gian, diện tích, thiết kế khác nhau, nên Thùy Linh cũng phải bỏ công tìm hiểu đặc trưng mỗi loại hình nghệ thuật ở Việt Nam và quy chuẩn phòng học để thiết kế cho phù hợp.

Khó khăn lớn nhất của Linh khi thực hiện đồ án là tìm cách cấy ghép không gian hiện đại mới vào không gian cũ mà vẫn hòa hợp, thành một thể thống nhất. Đây cũng là khâu được GS.TSKH Nguyễn Tài, thành viên Hội đồng giải thưởng Loa Thành, đánh giá là khó nhất của đồ án “Cải tạo nhà máy cũ thành trường năng khiếu nghệ thuật”.

Thời gian đầu, Thùy Linh chọn cách thay đổi kết cấu mái của nhà máy cũ thành nhấp nhô để tạo không gian như khu phố cổ thu nhỏ. Ý tưởng này chưa nhận được sự đồng thuận của thầy cô trong 2 vòng sơ khảo đầu, khiến Linh bế tắc, chán nản. Mất ăn mất ngủ một thời gian và với sự động viên của thầy hướng dẫn đồ án, nữ sinh Xây dựng đã thay đổi phương án, giữ không gian cũ và thêm kết cấu mái lớn hình cánh chim hy vọng kéo dài từ nhà máy cũ tới tòa nhà ký túc hiện đại mới. Ý tưởng này sau đó được thành viên hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp ĐH Xây dựng Hà Nội đánh giá: hợp lý, giải quyết được khâu kết nối không gian cũ – mới.

“Hội đồng bảo vệ đã nhận xét đồ án của Linh có tính logic cao và chứa cái hồn trong đó. Linh cũng là trường hợp ngoại lệ khi tạo được cảm hứng cho giáo viên hướng dẫn – người thầy rất giỏi, nhiệt huyết nhưng nghiêm khắc khiến hầu hết sinh viên sợ”, Trung Thông, bạn cùng lớp, cùng giáo viên hướng dẫn làm đồ án với Phạm Thùy Linh nói.

“Cải tạo nhà máy cũ thành trường năng khiếu nghệ thuật” đã được 9,5 điểm bảo vệ (mức điểm cao nhất của khoa Kiến trúc, ĐH Xây dựng Hà Nội) và được nhà trường gửi tham gia Giải Loa Thành (giải thưởng dành cho sinh viên khối chuyên ngành Xây dựng, Kiến trúc do Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc Việt Nam, Tổng hội Xây dựng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức).

GS.TSKH Nguyễn Tài, thành viên Hội đồng giải thưởng Loa Thành khi đánh giá về đồ án đã ngợi khen “ý tưởng rất hay, phù hợp với xu hướng hiện đại”. Tác phẩm của nữ sinh Phạm Thùy Linh sau đó được trao giải nhất Loa Thành, giải Sáng tạo kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Giải thưởng của Linh không khiến bạn bè trong lớp Kiến trúc chất lượng cao ngạc nhiên, bởi thời gian học, nữ sinh này luôn đứng top 3 sinh viên có kết quả học tập tốt. Thùy Linh còn khiến bạn bè nể phục bởi khả năng học tập, làm việc hơn người.

“Mình không rõ cô gái nhỏ nhắn với biệt danh Linh ngủ (vì lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ do thức đêm làm đồ án) lấy đâu ra năng lượng mà lúc nào cũng học, làm gấp đôi, gấp ba sinh viên khác”, bạn cùng lớp Trung Thông nói. Bố mẹ Linh thì than thở, chẳng lúc nào thấy con gái ngủ cả. Chia sẻ về vấn đề này, nữ sinh lớp Kiến trúc chất lượng cao cười khì bảo, kiến thức học nặng nên từ năm thứ 2 đã nhiều đợt phải thức triền miên.

“Con gái học ngành này đôi khi cũng thiệt thòi vì sức khỏe kém nhưng em lại rất thích vì được thực hiện đam mê của bản thân. Mẹ em trước đây phản đối gay gắt việc em chọn ĐH Xây dựng mà không phải ĐH Kinh tế quốc dân khi đỗ cả hai trường, thấy con gái thức đêm nhiều, mặt hốc hác, đã rất xót xa”, Linh chia sẻ.

Tốt nghiệp ĐH, không đi làm ngay như nhiều sinh viên khác, Thùy Linh chọn con đường ra nước ngoài học tiếp để mở mang kiến thức. Hiện, cô đã được ĐH Bách khoa Politecnico di Milano (Italy) – một trong số ĐH kỹ thuật hàng đầu của châu Âu, nơi cung cấp những kỹ sư, kiến trúc sư và thiết kế công nghiệp xuất sắc cho toàn thế giới, trao học bổng thạc sĩ. Dự định của Thùy Linh khi trở về là vừa làm kiến trúc sư, vừa tham gia giảng dạy để truyền thụ kiến thức cho thế hệ sau.

Quỳnh Trang

Share Button