Q Gallery / A+ Architects

Địa điểm: Võ Văn Kiệt, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
Thiết kế: A+ Architects
Chủ trì thiết kế: Vũ Hoàng Kha
Thiết kế kĩ thuật: Từ Phan Nguyên Trường
Nhóm thiết kế: Trần Văn An, Nguyễn Trọng Huân, Nguyễn Long Ẩn, Trần Thị Ly Na, Lương Văn Tàu, Nguyễn Thị Lan Anh, Lê Anh Huy, Lâm Hoàng Minh Trí, Lê Quốc Kiệt, Hồ Ngọc Bảo Vy
Diện tích: 831,7 m2
Năm thiết kế: 2020
Hình ảnh: Long Ẩn

Thuyết minh của KTS:

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất Việt Nam, là mũi nhọn kinh tế, thương mại và dịch vụ. Nhưng bên cạnh đó, chính sự phát triển vượt bậc khiến nơi đây phải đối mặt với những vấn đề đô thị hóa, bê tông hóa, hiệu ứng nhà kính, vấn đề ô nhiễm không khí, âm thanh, ánh sáng và đặc biệt là thiếu mảng xanh. Hiện tỷ lệ cây xanh / người ở các đô thị hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20 – 25 m2 / người. Trong đó, nhiều quốc gia đạt tỷ lệ cao như Singapore 30,3 m2 / người, Seoul (Hàn Quốc) 41 m2 / người, Berlin (Đức) 50 m2 / người, … Mục tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc đưa ra tối thiểu là 10 m2 / người. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay, tỷ lệ cây xanh trên người ở các thành phố lớn của Việt Nam đang ở mức 2-3 m2 / người. Thực tế này cho thấy tỷ lệ cây xanh đô thị thực tế của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 so với thế giới. Vì vậy, nhiệm vụ của các kiến ​​trúc sư không chỉ là hoàn thành các yêu cầu công năng của chủ đầu tư mà còn phải đảm bảo góp phần xanh hóa đô thị vì mục tiêu hàng đầu của nước ta.

Tọa lạc tại đường nhánh ra đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM, khu đất có bối cảnh xung quanh là nhà ở và trường học nên làm sao để tạo sự riêng tư, cách ly tiếng ồn, giảm bức xạ nhiệt cho người sử dụng cũng là một thách thức đối với dự án.

Yêu cầu công năng của chủ đầu tư về việc xây dựng bản sắc khác biệt nhưng vẫn thể hiện được sự hợp lý từ công năng đến hình thức đã dẫn đến ý tưởng “chậu cây lớn giữa lòng thành phố”, khối văn phòng là chậu, khối chung cư là cây. Sự tương phản về đường nét thiết kế của khối đế và phần trên khiến công trình càng thêm nổi bật.

Giải pháp mà A+ Architects đưa ra là biến những ban công của khách sạn thành những cành cây xanh mướt, điều này ngoài tác dụng giúp khắc phục những nhược điểm nêu trên còn tạo nên bản sắc nổi bật cho công trình. Ngoài ra, việc kết hợp mảng đặc và kín (chia tỷ lệ theo hướng mặt trời) từ tầng 2 đến tầng 6 cũng giúp hạn chế bức xạ theo góc mặt trời và giảm chi phí so với sử dụng toàn bộ bằng kính.
Dự án là một khối nhà 19 tầng gồm 15 tầng nổi và 4 tầng hầm, tầng 1 là không gian sảnh kết hợp văn phòng, tầng 2 đến tầng 5 là văn phòng, tầng 6 là không gian văn phòng chia sẻ (coworking), tầng 7 là khu vực nhà hàng, cafe và khu kỹ thuật, tầng 8-14 là khu căn hộ dịch vụ. Đặc biệt, chậu cây lớn của dự án được bố trí từ tầng 6 và không gian bể bơi được đặt tại tầng 15.

Thách thức lớn về mặt kỹ thuật là làm thế nào để modun chậu sao cho thuận tiện nhất khi thi công cũng như xử lý vấn đề cấp thoát nước cho hệ thống chậu cây. Có 1 giải pháp tiến bộ đó chính là sử dụng vật liệu bê tông công nghệ GRP (một loại vật liệu siêu nhẹ để làm chậu cây) và thiết lập hệ thống thu nước tự nhiên cho cây nước.

Ngoài ra, để đáp ứng mong muốn của chủ đầu tư về một kiến ​​trúc mặt tiền ấn tượng nhưng hợp lý về chi phí và kỹ thuật thi công, các kiến ​​trúc sư đã tận dụng ban công để làm mặt đứng, đồng thời modun hóa tấm bê tông đúc sẵn hình vòm để giảm chi phí và dễ dàng xử lý những vấn đề có thể xảy ra. Với kinh phí hạn hẹp, dự án còn kết hợp với việc sử dụng vật liệu địa phương, hoặc vật liệu khai thác trong bán kính gần để hoàn thiện mặt ngoài và nội thất công trình, điển hình là đá granit, gỗ tái chế, tre, nứa, v.v.

Q Gallery Building không chỉ là tổ hợp văn phòng kết hợp căn hộ dịch vụ mà còn là điểm nhấn cảnh quan của tuyến đường ven sông Sài Gòn, mà còn có tiền măng rất lớn góp phần cải thiện vi khí hậu cho môi trường xung quanh, giảm áp lực bê tông hóa đô thị. Hãy thử thêm những “chậu cây lớn” vào không gian đô thị đang thiếu cây xanh của bạn, chúng tôi tin rằng điều đó sẽ rất tuyệt vời.

Share Button