Địa điểm: An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM
Thiết kế: 23o5studio
Kiến trúc sư chủ trì: Ngô Việt Khánh Duy
Cộng sự: Võ Thanh Linh, Nguyễn Minh, Phạm Đức Minh, Mai Tiến Ninh, Nguyễn Hoàng Phúc, Lê Huy Hoàng, Đặng Phạm Xuân Sơn, Huệ Trần
Diện tích đất: 266m2
Diện xây dựng: 125m2
Tổng diện tích sàn: 420m2
Mật độ xây dựng: 47%
Năm thiết kế: 2019
Năm hoàn thành: 2020
Hình ảnh : Hiroyuki Oki
Thuyết minh của KTS:
Dự án là một công trình cải tạo, bao gồm cả kiến trúc, cảnh quan sân vườn. Ngôi nhà chính bị phá bỏ và chỉ giữ lại kết cấu khung bê tông. Nằm trên một tuyến đường giao thông nhộn nhịp, dự án đã tìm cách tối ưu hoá các chức năng phức tạp, đồng thời mang đến khoảng xanh, “nốt trầm” cho đô thị.
Tận dụng sự chênh lệch về độ cao giữa cao độ vỉa hè và cao độ tầng trệt (có tầng bán hầm), cảnh quan bên ngoài đã được thực hiện như một cụm đồi nhỏ, nhờ đó công trình như được nhấc bổng lên. Lối đi trên bậc đá xen kẽ những khóm hoa, gắn nhẹ trên địa hình, nhẹ nhàng dẫn vào một khoảng hiên – không gian đệm – tiếp nối các không gian chức năng. Mở vào bên trong hàng hiên là khu vực sinh hoạt chung: bếp, bàn ăn, sofa,… phục vụ cho các hoạt động giao lưu – nấu ăn – sinh hoạt hội nhóm cho những người ăn thuần chay. Phía sau là một khoảng hiên lớn hơn, một không gian đa chức năng để có thể tập yoga, làm gốm, vẽ tranh, thưởng trà,… Bước chậm rãi xuống bên dưới là một không gian ăn uống nhỏ cho khoảng 20 -25 người.
Đi ngang qua hàng hiên có hồ cá, cầu thang gỗ được đặt song song với hàng hiên dẫn lên khu vực nghỉ ngơi. Nơi này các phòng ngủ được bố trí xung quanh khu vực làm việc chung, các phòng ngủ được ngăn cách bởi lớp vách – tủ , mở tầm nhìn ra những tán cây. Phía sau là khu vệ sinh, kết hợp lối đi nhỏ mở ra vườn rau, đủ để cung cấp rau củ sạch cho chủ nhân ngôi nhà.
Tiếp nối phía trên là không gian dành cho thiền định, nơi tái tạo và tập trung tâm trí. Sự kết hợp các yếu tố thiên nhiên vào kiến trúc: ánh sáng, gió, mặt nước, mùi cây cỏ – tạo nên một bầu không khí yên tĩnh, trầm lắng – phù hợp với yếu tố thiền định. Đây chính là bầu không khí mà đội ngũ KTS theo đuổi xuyên suốt chuỗi nhiều dự án đã và đang được thiết kế.
Với mong muốn và quyết tâm của chủ đầu tư trong tối ưu hoá việc sử dụng năng lượng và tái sử dụng tài nguyên trong công trình, hệ thống tấm năng lượng được bố trí phủ trên lớp mái bê tông, vừa cách nhiệt cho tầng trên vừa cung cấp điện cho toàn dự án. Đồng thời kết hợp giải pháp thiết kế tối ưu về thông thoáng, chiếu sáng cho hầu hết các không gian. Hệ thống thu nước thải và xử lý để tái sử dụng cho việc tưới tiêu trong nuôi trồng sinh thực vật trong hệ sinh thái của toàn công trình. Công trình lúc này như một cơ thể sống, gắn chặt vào bối cảnh và trở thành một phần của bối cảnh, cung cấp sự tươi mát cho bộ mặt đô thị khô khan, bức bí. Như một nốt trầm trong bản hoà tấu đầy sôi động của cuộc sống hiện đại, công trình gửi gắm và lan toả được những thông điệp về truyền thống, thiên nhiên, bền vững đến cộng đồng.