- Địa điểm: xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An
- Ngày khởi công: 05/2019
- Ngày khánh thành: 11/11/2019
- Nhóm thiết kế: Nhóm sinh viên các trường Đại Học Công Nghệ và Thiết Kế Singapore (SUTD), Trường Đại Học Kiến Trúc TP HCM (UAH), Trường Đại Học Văn Lang (VLU) và Trường Đại Học Bách Khoa TP HCM (HCMUT)
- Hướng dẫn dự án: GS. TS. KTS. Chong Keng Hua (SUTD), ThS. KTS Trần Mai Anh (UAH), ThS. KTS Phạm Đức Thắng (HCMUT), ThS. KTS Mai Lê Ngọc Hà (VLU), ThS. KTS Hoàng Lê Nam (UAH), KTS Lê Nguyễn Huy Bảo, ThS. KTS Aerilynn Tan Tze Cheng (SUTD), ThS. KTS Yohei Kato (SUTD), ThS. KTS Ha Tshui Mum (SUTD).
- Quản lý dự án: KTS Nguyễn Đinh Khoa (CapitaLand Vietnam), KTS Trần Nguyễn Hoàng Chương (CapitaLand Vietnam)
- Nhà thầu: Kiến Đại Phát (KDP)
- Nhà tài trợ: CapitaLand Hope Foundation
Hợp tác thiết kế cộng đồng để thay đổi xã hội
Từ năm 2015 Opportunity Lab của Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD – O Lab) đã quy tụ nhiều sinh viên đại học từ Singapore và Việt Nam để làm việc với cộng đồng người bản địa tại phía Bắc và Nam Việt Nam trong các dự án thiết kế cộng đồng thông qua Hoạt động hợp tác nghiên cứu (Participatory Action Research – PAR). 2 dự án phối hợp với Quỹ Hy vọng CapitaLand (CapitaLand Hope Foundation) là Khu sân chơi Trường mẫu giáo Hy vọng CapitaLand Lệ Xá và Trường mẫu giáo Hy vọng CapitaLand Tân Tây là thành quả đến từ sự nỗ lực của O Lab, một phòng nghiên cứu tư duy thiết kế liên ngành chuyên tìm kiếm những thiết kế nâng cao để thay đổi xã hội.
Dự án Trường Mẫu Giáo Hy Vọng CapitaLand Tân Tây là một dự án chung tay được thực hiện bởi Quỹ Hope Capitaland, Trường Đại Học Công Nghệ và Thiết Kế Singapore (SUTD), Trường Đại Học Kiến Trúc TPHCM, Trường Đại Học Văn Lang và Trường Đại Học Bách Khoa TPHCM. Với mục tiêu thiết kế và xây dựng lại một ngôi trường mẫu giáo ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, Việt Nam.
Với bối cảnh một khối nhà cũ kĩ bao gồm 3 phòng học của ngôi trường đã được phá dỡ để tránh khả năng bị đổ sập gây nguy hiểm khi cơn bão Usagi kéo đến vào cuối năm 2018. Vì thế sau đó, ngôi trường mẫu giáo này cần rất gấp một khối nhà học mới để có thể phục vụ công tác dạy và chăm sóc cho hơn một trăm trẻ em tại đây. Từ đó ý tưởng thành lập một sự cộng tác giữa Quỹ Capitaland Hope và các trường đại học từ Singapore và Việt Nam ra đời, để cùng hợp tác với các giáo viên, người dân và chính quyền địa phương thiết kế và xây một khối lớp học mới. Cũng là để tăng số lượng trẻ em nhập học và cải thiện chất lượng giáo dục trẻ nhỏ ở những vùng quê.
Tháng 1 năm 2019, dự án đã bắt đầu với một workshop thiết kế cộng động dành cho các sinh viên ngành kĩ thuật và thiết kế đến từ các trường đại học khác nhau, và đã tiến hành công tác khảo sát khu vực dự án bước đầu dưới sự hướng dẫn của SUTD Opportunity Lab (O-Lab). Sau đó đã chuyển thành một nhóm thiết kế kiến trúc chủ trì bởi Giáo Sư Chong Keng Hua (SUTD) và kiến trúc sư Lê Nguyễn Huy Bảo.
Khối phòng học mới hình chữ L được thiết kế như một phần nối tiếp của khối phòng học hiện hữu, được che phủ bởi một hệ mái chung để đảm bảo cả khối các lớp học được liên kết liền mạch. Hai không gian mở bên trong được đưa vào giữa các khối lớp học dành cho các hoạt động chung và không gian cây xanh, với việc sử dụng gạch hoa gió đặc trưng của địa phương xây thành một lớp màn che chắn cho mặt chính hướng Tây của ngôi trường. Một cầu thang lớn sử dụng như một cây cầu nối từ sân chơi lớn ở tầng trệt lên tầng trên của khối lớp học, và tạo nên mạch lưu thông chung của ngôi trường. Thiết kế này cũng là hiện thực hoá ý tưởng thiết kế của chúng tôi với các trường mầm non, với mục tiêu khích lệ sự khám phá, sự thể hiện cảm xúc và niềm vui phấn khích của trẻ.
Kết thúc hành trình là một chuyến hoạt động tình nguyện vào tháng 11 năm 2019, được tổ chức bởi Capitaland, nhóm sinh viên tham gia đã được mời về lại ngôi trường để cùng thực hiện những công tác sau cùng – vẽ những bức tranh tường, sơn hàng rào và cùng làm những đồ chơi, đồ trang trí bằng các vật liệu tái chế như chai lọ, lốp xe cũ, v.v… Tổng kết lại, dự án thiết kế chung tay này mang một ý nghĩa rất lớn với tất cả mọi người khi mà nó sẽ phục vụ được như cầu lợi ích của người dân địa phương về lâu về dài nữa.
Phương pháp: cách tổ chức để huy động tốt các nguồn lực và đạt hiệu quả cao
Bằng việc đưa vào nghiên cứu hành động cùng chung tay (Participatory Action Research – PAR), các workshop thiết kế cộng đồng được tổ chức cùng với những người dân địa phương (phụ huynh, giáo viên, hiệu trưởng), cán bộ ban ngành liên quan tại địa phương, những nhà tài trợ của dự án, các trường đại học cùng tham gia, để tìm hiểu nhu cầu và suy tư của mỗi bên để xem xét cho thiết kể của ngôi trường. Những sự tác động mãnh liệt này làm nảy sinh nên những ý tưởng thú vị và những vấn đề tiềm ẩn mà có thể đã không thể phát hiện nếu khu đất dự án chỉ được khảo sát một cách riêng biệt mà không tìm đến ý kiến của người sử dụng chúng. Thiết kế cuối cùng là kết quả của rất nhiều sự tương tác giữa team thiết kế liên danh các trường đại học Singapore và Việt Nam cùng với những ý kiến đóng góp của nhóm quản lý dự án của Capitaland và chính những người sử dụng.
Một điểm rất đáng mừng nữa là ở xã Tân Tây, nhóm dự án đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ phía các nhà quản lý, chính quyền địa phương, các thầy cô và phụ huynh. Mọi người đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc làm sao để tạo nên một môi trường học tập và vui chơi tốt nhất cho trẻ em. Trong các cuộc họp chung giữa nhóm thiết kế và địa phương, mọi người đều hăng say trao đổi quên giờ giấc. Đây cũng là một nguồn động lực lớn giúp team càng cháy hết mình hơn nữa trong dự án này và cả những dự án cộng đồng khác trong tương lai.
Tác động: dự án này đã tạo nên ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và xã hội xung quanh nó
Trường mẫu giáo Tân Tây giúp những trẻ em từ các vùng nông thôn Long An được tiếp nhận một môi trường giáo dục mầm non toàn diện để các em có một tương lai tốt hơn. Bên cạnh vai trò là nơi nuôi dưỡng trẻ em, trường còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra không gian sinh hoạt cộng đồng, điều mà trước đây không có. Điều này giúp tăng cường phát triển mối quan hệ cộng đồng, từ đó có thể thúc đẩy mối quan hệ tốt hơn giữa các giáo viên, trẻ em và các bậc phụ huynh.
1 năm sau chúng tôi quay lại, vẫn thấy sự rạng rỡ trên khuôn mặt của những bậc phụ huynh. Là những người lao động thường phải đi làm rất xa nhà từ sáng tới tối, họ nay đã an tâm hơn khi gửi gắm con cái ở ngôi trường này. Ngày thường, các trẻ em địa phương cũng vẫn đến chơi đùa, những người lớn thì nay có thêm nơi dạo bộ, tập thể dục và là nơi gặp gỡ trò chuyện với nhau. Tương tác xã hội ngày càng phát triển khắng khít.
Nhân rộng: phạm vi nhân rộng/mở rộng, các khu vực khác nhau
Trường mẫu giáo Tân Tây mang đến một hình thái kiến trúc mới, có thể dễ dàng nhân bản và thay đổi tỷ lệ. Bố cục 2 tầng, khối nhà hình chữ L gọn gàng mang lại nhiều lợi thế, bao gồm việc có thêm nhiều phòng học trong cùng một khu vực, không gian lưu trữ hiệu quả hơn để cất mền gối, nhà vệ sinh tiện dụng đảm bảo vệ sinh hơn, sử dụng gạch hoa gió để che nắng đồng thời trang trí mặt đứng, phần có mái che có thể tích lớn gấp đôi để thông gió tự nhiên tốt hơn. Một đặc điểm sáng tạo khác là sự tích hợp địa hình cảnh quan nối liền với cầu thang lớn, kết nối tầng trệt với tầng lầu và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự thông thoáng tổng thể của trường, đồng thời tạo ra những không gian an toàn và thú vị cho trẻ em chạy quanh khám phá. Những yếu tố giáo dục cũng được đưa vào khu vực vui chơi để truyền cảm hứng và khơi dậy sự sáng tạo, các phòng học đều có những góc vui chơi được thiết kế để dạy trẻ các kỹ năng sống quan trọng để phát triển bản thân. Tất cả những đặc điểm này có thể được dùng làm mô hình cho sự phát triển trường mẫu giáo trong tương lai ở khu vực nông thôn.