
Thiết kế: Nhóm A.H team (Hà Nhựt Anh, Nguyễn Gia Huy)
Dự án “Vườn Hưu Trí” được lấy cảm hứng từ tác phẩm “Tro tàn rực rỡ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
“Tro tàn rực rỡ”, cái tên gợi lên hình ảnh của những thứ tưởng chừng đã tàn lụi, nhưng lại âm ỉ một sức sống bên trong. Giống như những người thợ nung than đước ở Cà Mau, họ đã dành cả cuộc đời gắn bó với lửa đỏ, khói đen. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, họ không tìm kiếm sự nghỉ ngơi đơn thuần, mà khao khát một nơi để lặng lẽ hồi phục, cả thân thể và tâm hồn.


Dự án “Vườn Hưu Trí” triển khai tại Hợp tác xã chế biến than 2/9 – nay đối diện với nguy cơ phá bỏ những lò than do di dời sang nơi khác. Nhưng như cái tên đã gợi mở, trong đống tro tàn của những lò than ấy lóe lên một cơ hội. Đây không phải là sự kết thúc, mà là một sự hoán vị — chuyển đổi những thực thể đã có sẵn để tạo ra hình thái và không gian sống mới. Giờ đây, từ những “nguyên liệu” có sẵn: lò nung, mái nhà, dòng sông … – chúng được sắp xếp thành tổ hợp không gian sinh hoạt văn hóa dành cho người cao tuổi, thừa hưởng tinh thần bản địa, nhưng đồng thời linh hoạt và co giãn theo nhu cầu sử dụng. Trong dòng chảy ấy, dự án không chỉ tái tạo kiến trúc, mà còn tái sinh cảnh quan, như cách mà “Hoán vị” đã mở ra. Đó là sự sắp xếp lại, là cơ hội để những lò than, những con người đã lặng lẽ đi qua đời, nay vẫn còn rực rỡ theo một cách khác, trong một hình hài mới.


Lò hầm than luôn gợi lên trong tâm trí người thợ sự ngột ngạt, nóng bức và tối tăm, như chính môi trường họ làm việc. Nhóm mong muốn thay đổi điều này mà không phá vỡ hay biến đổi lò hầm đến mức không thể nhận ra. Với sự tương phản mạnh mẽ giữa lò hầm và bối cảnh xung quanh, chúng tôi đề xuất ba giải pháp: di chuyển các hoạt động chính của lò ra không gian cảnh quan, dùng cảnh quan (cùng ngôn ngữ với lò hầm than) để làm mờ sự hiện hữu của lò hầm, và tái tổ chức mật độ gạch, biến đổi công năng của lò theo trị liệu giác quan (sáng – tối, đặc – rỗng…). Viên gạch từ lò cũng có thể được tái sử dụng làm đường dẫn hoặc bờ bao cho vườn rau.


Cuối cùng, không gian hoạt động công cộng (vườn hưu trí) và những góc thư giãn nơi lò hầm than, tất cả sẽ được con người làm chất keo gắn kết, như bao đời nay người ta vẫn quấn quýt với đất, với trời, với mái nhà mình. Nhóm thiết kế chỉ mong, sau bao năm sống giữa lửa than và mưa nắng, những người thợ lò, những người đã dành trọn đời cho con cháu, có được chút thảnh thơi khi tuổi đã về chiều. Giống như cái “rực rỡ” nhóm mãi tìm trong đống tro tàn – cái màu cháy sậm in hằn lên ký ức của vùng đất này.
“Hi vọng của người trẻ chính là sự hồi sinh tinh thần cho những người già.”
