Công viên mỏ Mạo Khê

Nằm ở trung tâm thị trấn Mạo Khê với diện tích 3,3 ha, công viên Mỏ ra đời từ những năm 90 của thế kỷ trước, đã xuống cấp nghiêm trọng và gần như đóng cửa bỏ hoang nhiều năm nay.

Từ tháng 5/2019, Công ty than Mạo Khê đã triển khai cải tạo, nâng cấp công viên Mỏ để tạo nên một không gian công viên mở phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Công viên được cải tạo với tổng diện tích 3,3 ha, tổng giá trị công trình 14,4 tỷ đồng. Với nhiều hạng mục công trình được xây mới, cải tạo như : Giàn chữ O có diện tích 318 m2; Nhà đa năng diện tích 303 m2; Lát nền sân Quảng trường, sân Tượng Đài, vỉa hè với diện tích 14.000m2; Trồng cây toàn bộ diện tích là 16.000 m2; Cải tạo Tượng Đài công nhân mỏ, hồ nước, nhà tròn, lắp đặt nhiều dụng cụ thể thao phục vụ cán bộ công nhân viên và nhân dân trong khu vực.

Việc cải tạo, nâng cấp và đưa Công viên mỏ Mạo Khê vào hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của đông đảo CBCNV Công ty và nhân dân trong khu vực, tạo dư luận xã hội có tính đồng thuận cao mang tính tích cực. Công viên sẽ là không gian xanh, không gian công cộng kết nối cộng đồng dân cư trên địa bàn và chung tay vì môi trường sống xanh – sạch – đẹp.

Vị trí: Thị trấn Mạo Khê, Quảng Ninh
Thiết kế: H&P Architects
Nhà tài trợ: Công ty than Mạo Khê (TKV)
Nhóm thiết kế: Đoàn Thanh Hà, Trần Ngọc Phương, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Văn Dương, Đặng Xuân Hòa, Lương Thị Ngọc Lan, Nguyễn Hải Huệ
Vật liệu tái sử dụng: hàng rào, thép ống , vì kèo mái tôn, hoa sắt, gạch
Diện tích đất: 3,3 ha
Hoàn thành: tháng 11/2019
Nhiếp ảnh: Lê Minh Hoàng

Biểu tượng năm vòng của phong trào Olympic đại diện cho sự kết nối nhân loại, sự liên tục và toàn vẹn của thế giới – đã gợi cảm hứng cho đơn vị thiết kế – H&P Architects – kết hợp thể thao với văn hóa & giáo dục để hồi sinh công viên này, dựa trên quan điểm: Lấy ngăn cách để xây cầu nối. Cụ thể là dỡ bỏ những rào cản (công trình không đảm bảo an toàn, 600m dài hàng rào) rồi dùng chính những mảnh rời rạc này ghép nên không gian kiến trúc mới, khoảng trống sau dỡ bỏ sẽ thành quảng trường tiếp nối liên thông với sân nền xung quanh. Dùng đường dạo xâu chuỗi những vật thể kiến trúc, điêu khắc với cảnh quan toàn công viên, nối kết các hướng với nhau tạo ra những nơi chốn giao thoa mở cho tất cả cho mọi người và thu hút họ đến tham dự các sự kiện xã hội, tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí, tri ân lịch sử, hưởng thụ & sáng tạo văn hóa.

Công viên Mỏ Mạo Khê đã được hồi sinh như thế và đã trở về với bản chất vì con người và văn hóa của nó, với sứ mệnh: Đáp ứng các hoạt động sống thiết thực của người dân; Cải thiện chất lượng cuộc sống; Bù đắp những thua thiệt về kinh tế, VH-XH cho người dân.

Chi tiết một số cầu nối trong công viên:

Vòng nguyệt quế lớn: Cấu trúc gồm ba vòng tròn lệch tâm: hai vòng ở biên mỗi bên có sáu chân đỡ so le với nhau, vòng ở giữa được nâng cao và nghiêng dần từ trên (hẹp) xuống dưới (rộng), bao quanh lõi trung tâm nhiều cây và hoa. Xếp-gác lên trên cùng là các mảng hàng rào sắt cũ – như những chiếc lá trên cành uốn thành Vòng nguyệt quế lớn, tôn vinh sự tái sinh để con người được gần gũi với nhau hơn và gắn kết với thiên nhiên hơn.

Cánh diều ký ức: Không gian đa năng này được tái chế từ vì kèo & mái tôn gần 30 tuổi của rạp chiếu phim đã hư hỏng trước đây, và tái dựng trên vị trí của một kiến trúc cũ vừa bị phá dỡ do bỏ hoang đã 25 năm. Mái nhà như cánh diều khổng lồ căng gió, được “níu giữ” bởi năm điểm chạm đất tạo ra một nơi mở mênh mang để trưng bày triển lãm, biểu diễn văn nghệ, hội họp,… Chính những hoạt động thường nhật diễn ra ở đây là những thước phim sống động quý giá được “trình chiếu trực tiếp” liên tục ở sân chơi đời thường đầy ký ức này.

Vườn vệ sinh 3: Khu vệ sinh công cộng như ba khối điêu khắc ẩn dưới lớp phủ mờ bằng cây xanh và hệ khung giàn là các tấm hàng rào, ống thép cũ. Ba khối này có kích thước khác nhau, được xoay đặt ngẫu nhiên sao cho không cần bao chặn tầm nhìn xung quanh mà vẫn đảm bảo sự kín đáo cần thiết cho người sử dụng, và giúp Vườn vệ sinh 3 hòa lẫn vào không gian cảnh quan của công viên một cách tự nhiên.

Mái nhà zích zắc: Gỡ bỏ những “ký sinh” đeo bám nhiều năm qua trên cơ thể kiến trúc này, để nơi đây trở về với chức năng phục vụ các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân như trước đây. Công trình là điểm nhấn ký ức thú vị ở quảng trường trung tâm và đóng vai trò hỗ trợ quan trọng những khi diễn ra các hoạt động lễ hội.

Nhà hát ngoài trời ở Quảng trường lễ hội.

Công viên đã được phủ xanh 1,6 ha cỏ lạc trên bề mặt và tăng gấp đôi số lượng cây bóng mát sau khi trồng thêm 200 cây. Làm đường dốc nương theo địa hình (mức chênh cao độ hiện trạng trong công viên khoảng từ 2m-5m, tùy chỗ) giúp người khuyết tật và người đi xe đạp dễ dàng tiếp cận trải nghiệm, đồng thời kết nối cả khu phố phía trước – xuyên qua công viên – tới khu ở đằng sau.

Lát nền tổng cộng 1,4 ha đá granite, gồm: đường dạo; các sân nhỏ có lắp đặt nhiều dụng cụ luyện tập thể thao, chỗ ngồi nghỉ; sân tượng đài công nhân Mỏ; và đặc biệt là Quảng trường lễ hội, nơi đảm nhiệm chức năng công cộng của dân cư đô thị và nơi này có thể dễ dàng trở thành nhà hát ngoài trời khi cần.

Ở Việt Nam, diện tích quảng trường chỉ chiếm 0,004% diện tích đất đô thị và chỉ tiêu diện tích quảng trường trên đầu người là rất thấp, khoảng 0,02m2. Việc tạo ra quảng trường – nhà hát ngoài trời trong công viên Mỏ Mạo Khê như một giải pháp có thể nhân rộng để góp phần cải thiện sự thiếu hụt đó.

Share Button