- Địa điểm: Nhà Tiền Đường, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội
- Thiết kế: HMLarchitecture
- Kiến trúc sư chủ trì: Hồ Mộng Long
- Chiếu sáng: Unios Vietnam
- Diện tích khu đất: 1000 m2
- Diện tích xây dựng: 530 m2
- Năm hoàn thành: 2021
- Chủ đầu tư: VietNam Design Group
- Nhiếp ảnh: Ben Reich
Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 (VNDW2021) với chủ đề “Đánh thức truyền thống” do VietNam Design Group, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức tại 3 thành phố: Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chương trình tôn vinh các sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam thuộc các lĩnh vực: Thiết kế truyền thông, thiết kế đồ nội thất, thiết kế vật dụng trang trí, thiết kế trang phục, thiết kế công cộng… Chương trình điểm nhấn của VNDW2021 là cuộc thi Designed by VietNam, lấy cảm hứng từ truyền thống văn hóa và tri thức dân gian để sáng tạo nên những sản phẩm có tính ứng dụng cao, mang giá trị thương hiệu thiết kế Việt Nam. Để tôn vinh các tác giả và tác phẩm đạt giải, BTC cuộc thi đã xây dựng một không gian triển lãm để trao giải và giới thiệu tới công chúng, địa điểm tai Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Nơi đây cũng hứa hẹn sẽ là nơi để tổ chức các hoạt động liên quan đến sáng tạo của Hà Nội trong tương lai. Không gian triển lãm trong nhà Tiền Đường giới thiệu 30 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi.
Chiến lược thiết kế của Đối Thoại exhibition:
Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đảm bảo kiến trúc bền vững: Kiến trúc bền vững được xây dựng khi cân bằng 4 khía cạnh:
- Giảm tối đa những tác động lên môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Các giải pháp thiết kế thụ động là điều kiện tiên quyết khi thiết kế công trình. Mạng lưới thiên nhiên và nhân tạo tồn tại đan xen;
- Hiệu quả về kinh tế;
- Đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống nhưng thích nghi với cuộc sống hiện đại;
- Tích hợp các chức năng hoạt động một cách hài hòa để hỗ trợ phát triển lẫn nhau.
Ý tưởng thiết kế:
Khác với nghệ thuật phương Tây, tinh thần nghệ thuật Á Đông phụ thuộc vào sự giao thoa giữa sự cảm thụ của chính những người thưởng lãm tác phẩm và những suy tư của nghệ sĩ thông qua tác phẩm của họ. Nghệ thuật từ đó không còn ranh giới giữa cao thấp, tốt xấu mà nó chỉ phản ánh cuộc đối thoại không có điểm dừng giữa những người / vật trong cuộc. Từ góc độ nhìn nhận này, chúng tôi muốn tạo ra một không gian trưng bày mà ở đó, mỗi tác phẩm tự nói tiếng nói của nó, đối thoại cùng người xem và đối thoại với chính di sản chứa đựng nó. Chính điều đó sẽ tạo ra một sức sống của mỗi tác phẩm khi nó đã qua giai đoạn sở hữu của cá nhân tác giả. Một đời sống mới, một giá trị mới.
Không gian trưng bày trong nhà được tổ chức tự do bởi các vách ngăn bằng acrylic trong và đánh xước kết hợp cùng ánh sáng, hình ảnh các tác phẩm được in phim dán phía trên vẫn giữ được sự trong mờ. Không gian triển lãm không được định tuyến và dẫn hướng, mỗi người tham quan sẽ tìm ra tác phẩm họ cho là hay nhất với chính mình. Các tấm acrylic phản chiếu toàn bộ không gian nội thất nhà tiền đường và cả người xem. Ánh sáng đèn led thanh gắn trên các tấm mica theo phương dọc ngang đan xen với nhau. Toàn bộ các yếu tố về phông nền, vật phẩm và ánh sáng và con người được hòa trộn với nhau tạo thành một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt, phản ánh bối cảnh một cách hài hòa và sống động.
Giải pháp kỹ thuật:
Do việc thi công trong di tích nên các giải pháp kỹ thuật đều phải lắp dựng độc lập ko tác động đến di tích.
Không gian trong nhà: Các tấm acrylic trong dày 10mm, có gắn đèn led theo phương dọc ngang khác nhau chiếu sáng các bản pano. Chúng được treo lên trên một hệ thép độc lập với hệ vì kèo gỗ của nhà tiền Thái học để đảm bảo ko tác động vào di tích.
Các vật liệu như acrylic được tính toán trước để có thể tái sử dụng sau triển lãm.