The Khue Pavilion / HMLarchitecture

  • Địa điểm: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội
  • Thiết kế: HMLarchitecture
  • Kiến trúc sư chủ trì: Hồ Mộng Long
  • Chiếu sáng: Unios Vietnam, Barrisol Vietnam
  • Chủ đầu tư: Ashui.com
  • Diện tích khu đất: 1000m2
  • Diện tích xây dựng: 530m2
  • Nhiếp ảnh: Triệu Chiến
  • Phim: Notes

Nằm trong chuỗi những dự án nghiên cứu về phát huy giá trị di sản kiến trúc trong phát triển đô thị bền vững theo định hướng kiến trúc mới của văn phòng kiến trúc HMLarchitecture, dự án này đặt trong di sản văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám của Hà Nội như một thí dụ về cách thức để lồng ghép những hoạt động mới trong cấu trúc cũ của di sản, nhằm tiếp biến hoạt động của di sản thích nghi trong thời đại mới. Các giá trị vật thể và phi vật thể hiện hữu tại Văn Miếu vừa là chất liệu, vừa là thông điệp giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại đến thế hệ mai sau cần được tôn vinh, thổi hồn một sức sống mới và lan tỏa đến mọi người.

Ra đời từ năm 2012, Ashui Awards là giải thưởng uy tín của ngành Xây dựng tại Việt Nam. Sự kiện nhằm mục đích tôn vinh các kiến trúc sư có những tác phẩm xuất sắc, là tấm gương hành nghề của giới, khẳng định vai trò của kiến trúc sư trong xã hội. Đồng thời tôn vinh những công trình kiến trúc mới có giá trị. Tôn vinh những nhà thầu uy tín, các hãng kỹ thuật xây dựng có chất lượng chuyên môn cao, các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản có nhiều đóng góp nổi bật cho xã hội. Có thể nói đây là sân chơi hiếm có, có tác động tích cực cho sự phát triển của ngành Xây dựng tại Việt Nam.

Trải qua chặng đường 10 năm, Giải thưởng đã góp phần kết nối các thành viên trong lĩnh vực Kiến trúc – Xây dựng – Phát triển đô thị tại Việt Nam. Đồng thời khuyến khích những sáng tạo tích cực góp phần cho sự phát triển của cộng đồng, tiến bộ xã hội. Để tôn vinh các tác giả và tác phẩm đạt giải, Ban Tổ chức đã xây dựng một không gian triển lãm để trao giải và giới thiệu tới công chúng, địa điểm tại di tích Văn Miếu – Quốc tử Giám, Hà Nội (Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam với tuổi đời gần 1000 năm) – Nơi đây cũng hứa hẹn sẽ là nơi để tổ chức các hoạt động liên quan đến sáng tạo của Hà Nội trong tương lai, hiện thực hóa danh hiệu “Hà Nội – thành phố sáng tạo” do UNESCO công nhận năm 2019.

Vị trí lựa chọn xây dựng: Sân trước khu nhà tiền đường Thái học, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Không gian triển lãm ngoài nhà giới thiệu các đề cử của 10 hạng mục giải thưởng và các cá nhân và tập thể đạt giải thưởng kết hợp sân khấu trao giải.

Ý tưởng thiết kế:

Với quan điểm Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những giá trị vật thể về Kiến trúc và phi vật thể về tinh thần Đạo học là một chất liệu đặc sắc cần được tôn vinh, các kiến trúc sư coi toàn bộ khu Văn Miếu chính là một không gian triển lãm hoàn hảo, là một điểm nhấn của Hà Nội, khu vực sân khấu thêm vào đóng vai trò như là một lăng kính dưới góc nhìn hiện đại phản chiếu toàn bộ những giá trị này như một thông điệp giữ gìn, bảo vệ, phát triển giá trị của di sản tới thế hệ mai sau. Lấy cảm hứng từ hình tượng Sao Khuê, biểu tượng của văn chương và Khuê Văn Các là nơi mà những bậc thi nhân xưa luôn muốn đặt chân tới, là nơi lưu lại sự thành danh cho rất nhiều danh nhân xưa. Ashui Pavilion 2022 mang tên “The Khue” xuất hiện và tỏa sáng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám để tôn vinh các cá nhân và tập thể đạt giải thưởng Ashui Awards 2021 (lần thứ 10) và cả di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Sân khấu được cấu trúc bởi một vòng tròn (đường kính 13,4m) được ghép bằng các tấm kính trong suốt đặt ở chính giữa sân, phía trước tiền đường Thái học. Có 2 lối vào khu vực sân khấu hình vuông ở giữa, người trao và nhận giải trên bục. Bố cục không gian với ý niệm về sự hài hòa giữa Trời, Người và Đất trong thuyết Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân) của triết học phương Đông. Trên đỉnh bức tường kính, vòng tròn ánh sáng chiếu sáng toàn bộ khu vực sân khấu. Không gian xung quanh được soi bóng trong vòng tròn làm nền cho sân khấu đồng thời giúp người tham quan có thể tương tác trực tiếp, và là một phần của tác phẩm nghệ thuật này.

Ngoài ra, sự kiện được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và ở Việt Nam, vòng tròn và vách kính là những biểu hiện cho thấy xã hội trong đại dịch đã bị chia cắt như thế nào, không gian công cộng, linh hồn đô thị, đã bị mất đi ý nghĩa kết nối con người ra sao. Một thiết kế thích ứng với bối cảnh xã hội hiện tại.

Giải pháp kỹ thuật:

Do việc thi công trong di tích nên các giải pháp kỹ thuật đều phải lắp dựng độc lập để ko tác động đến di tích. Không gian triển lãm “The Khue” là tập hợp các phần tử:

– Các công trình kiến trúc của Văn Miếu – Quốc Tử Giám;
– Hệ khung thép treo pano A0 các đề cử vào vòng chung kết giải thưởng;
–  Vòng tròn ánh sáng bằng kính làm sân khấu trao giải;
– Các công trình kiến trúc của Văn Miếu khu vực sân nhà Thái Học bao gồm: Nhà Tiền Đường Thái Học, Nhà Hữu Vu, Nhà Tả Vu và cổng Thái Học được thiết kế chiếu sáng riêng nhằm làm nổi bật các giá trị kiến trúc của Văn Miếu.
– Vòng tròn với đường kính 13,4m được tổ hợp bởi 20 tấm kính an toàn nguyên khổ (1,84m x 2,44m), 2 lớp dày 8,38mm, được ghép với nhau bằng những tấm kính cường lực 10mm rộng 300mm. Hệ kính này được gắn trên một bản thép corten dày 10mm, bằng những khớp mềm để thích ứng với mặt sân Nhà Thái Học không bằng phẳng. Một vành tròn thép sơn trắng đặt trên các trụ kính, mặt chiếu sáng phía dưới là trần xuyên sáng có gắn đèn led ánh sáng trắng 6000K, CRI 90, có tác dụng liên kết trên đỉnh các tấm kính phẳng. Việc sử dụng bản thép corten (là thép được oxy hóa trực tiếp, với tính chất biến đổi theo thời tiết và thời gian, tạo ra “màu của thời gian” làm đế chịu lực, ranh giới của mặt đất và vòng tròn kính với ý niệm về sự tiếp biến giữa những giá trị cuả truyền thống đến tương lai.
– Hệ khung thép treo pano A0 được làm bằng thép đặc và mảnh theo các module độc lập dài 2,4m, được liên kết mềm với nhau thành 4 dãy theo 4 cạnh hình vuông của sân Thái Học, vòng tròn sân khấu đặt chính giữa. Toàn bộ tâm hình tròn, vuông được đặt trên trục Thần đạo của Văn Miếu.
– Triển lãm kéo dài sau sự kiện 1 tháng để người dân và công chúng yêu nghệ thuật thưởng lãm. Các vật liệu như kính không gia nhiệt, 2 lớp, thép được tính toán trước để có thể tái sử dụng sau triển lãm.

Share Button